Sáng ngày 22/4/2022, Thép Nam Kim (NKG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, thông qua kế hoạch với doanh thu đi ngang ở mức 28.000 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế lại giảm 28% so với năm 2021, xuống mức 1.600 tỷ đồng.
"2021 là năm thành công của ngành"
Cần nhấn mạnh, năm 2021 là năm thắng lớn của ngành thép nói chung và NKG nói riêng, khi giá thép liên tục đạt đỉnh lịch sử. Sang quý cuối năm ngoái, sự tăng trưởng nóng dần hạ nhiệt, kéo theo chỉ số kinh doanh cũng như hiệu suất doanh nghiệp không còn đột biến. Song nhìn vào bức tranh lớn, chỉ số kinh doanh đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ so với giai đoạn trước đó, đưa toàn ngành lên một mặt bằng mới.
Với chỉ tiêu trên, Công ty dự chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT cũng chia sẻ năm 2021 là năm thành công của ngành. "Cuối năm 2020 đến giữa năm 2021, dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn thế giới đã khiến nhiều nhà sản xuất thép trên thế giới ngưng vận hành lò cao, một khi ngưng thì việc vận hàng trở lại cần thời gian. Nhu cầu tăng cao mà cung không đủ đáp ứng đã khiến giá thép tăng mạnh.
Trong nước, dịch bệnh bùng phát mạnh tại khu vực phía Nam, doanh nghiệp tôn mạ đã đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp tiêu thụ nội địa giảm. Theo đó, năm 2021, tiêu thụ nội địa tôn mạ giảm 13% nhưng xuất khẩu tăng 108%", ông nói.
Với ống thép, lãnh đạo NKG cho biết là thị trường lớn và vẫn tăng trưởng. Do hết nguyên liệu nên năm qua chỉ duy trì, tuy nhiên trong quý 2 năm nay, NKG sẽ xử lý xong kho hàng tập trung để tăng công suất mạ nguyên liệu, dự tăng sản lượng ống thép lên.
Năm 2021, NKG vượt xa kế hoạch với doanh thu hơn 28.000 tỷ và lãi sau thuế 2.225 tỷ đồng. Theo đó, Công ty quyết định chia cổ tức với tỷ lệ 30%; bao gồm 10% bằng tiền mặt (sẽ thực hiện trong năm 2022 sau khi được UBCKNN chấp thận) và 20% bằng cổ tức. Tương ứng, NKG sẽ phát hành thêm gần 44 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau khi chia cổ tức dự tăng lên mức 2.633 tỷ đồng.
Đầu tư thêm nhà máy quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn 4.500 tỷ đồng
Công ty cũng thông qua lập công ty con và đầu tư nhà máy mới. Cụ thể, NKG sẽ lập Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ vốn điều lệ 500 tỷ đồng, NKG góp 100%.
Đây là chủ đầu tư dự án nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ có quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Sản phẩm của nhà máy bao gồm tôn cán nguội, thép cuộn, tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh)…
HĐQT cũng đề cử ông Võ Hoàng Vũ làm người đại diện và Giám đốc quản lý 100% vốn góp của NKg tại Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ.
NKG hiện có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm, ống thép. Nếu hoàn thành thêm nhà máy mới, công suất toàn hệ thống sẽ gấp 2,2 lần lên 2,2 triệu tấn/năm.
Năm nay, NKG sẽ đưa vào vận hành kho hàng tập trung cho thị trường nội địa và nhà máy ống thép hàn trên diện tích 5 ha tại Bình Dương.
"Việc đầu tư này giúp cho một số hoạt động phụ trợ, logistics, sản xuất ống thép được di dời ra khỏi nhà máy tôn mạ, tăng không gian cho hoạt động sản xuất, luân chuyển bán thành phẩm và thành phẩm trong nhà máy", đại diện nói.
Song song đó, Công ty tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mới hướng đến phân khúc chất lượng cao. Ngoài ra là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Australia.
Thảo luận tại Đại hội
1. Xin cung cấp thêm thông tin dự án mới tại Phú Mỹ?
Ông An: NKG có kế hoạch đầu tư dự án ở Mỹ Xuân diện tích 33 ha, công suất 1,2 triệu tấn/năm, chia làm 3 giai đoạn (mỗi giai đoạn 400.000 tấn). Hiện nay, doanh nghiệp đang thực hiện giai đoạn 1, đến năm 2025 triển khai giai đoạn 2 và đến năm 2027 dự kiến hoàn thành. Mục tiêu dự án là sản xuất sản phẩm mới, chất lượng cao hơn nhiều so với sản phẩm hiện tại.
Ông Hồ Minh Quang bổ sung: "NKG đang tập trung vào sản xuất và khi mở rộng ra thì nhấn vào phân khúc cao cấp hơn. Tôi cho rằng khi đất nước phát triển thì người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng cao hơn. Nhìn chung, khi đầu tư chúng tôi cũng thận trọng, giá đất để đầu tư hiện nay đã tăng rất cao nhưng NKG đã mua từ trước với giá tốt".
2. Nguồn vốn tài trợ cho dự án?
Ông Hồ Minh Quang: Trong giai đoạn 2022-2024, NKG sẽ cân đối từ nguồn lợi nhuận giữ lại và khấu hao cho dự án, nếu cần thiết thì sẽ vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện đơn vị chưa cần thiết phải vay các tổ chức tín dụng.
3. Cơ cấu xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU hiện nay?
Ông Vũ: Quý 2-3/2021 Công ty tập trung ở Mỹ, EU và Úc. Cập nhật đến nay thì thị trường Mỹ đang chậm lại, trong khi EU và Úc vẫn tốt. Riêng thị trường EU đang chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu NKG.
4. Hiện Trung Quốc phong tỏa, vậy nguồn nguyên liệu HRC có bị thiếu?
Ông Vũ: Từ năm 2021, cơ cấu nguyên liệu từ Trung Quốc đã giảm rất nhiều để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Do vậy, đến nay Công ty không bị ảnh hưởng lớn do sự thắt chặt của Trung Quốc.
5. Vì sao tháng 2 sản lượng thấp?
Ông Vũ: Sản lượng tháng 2 giảm do dính kỳ nghỉ lễ cùng đứt gãy chuỗi cung ứng. Song, sản lượng xuất khẩu sang tháng 3 đã tăng trở lại vào khoảng 62.000 tấn.
6. Công ty chuẩn bị nguyên liệu đến đâu và đơn hàng xuất khẩu như thế nào?
Ông Vũ: Tính đến 31/3, lượng hàng tồn kho nguyên liệu, thành phẩm khoảng 8.500 tỷ đồng, tương đương đầu năm và có thể đáp ứng nhu cầu bán hàng một quý. Đơn hàng xuất khẩu hiện NKG đã chốt bán đến giữa tháng 7/2022.
7. Công ty có định hướng thế nào với thị trường nội địa và xuất khẩu?
Ông Vũ: NKG sẽ mở rộng cả 2 thị trường này. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu sẽ nhỉnh hơn với cơ cấu 55-60%.
Năm trước, tiêu thụ tôn mạ nội địa khoảng 2 triệu và ống thép khoảng 2,5 triệu tấn. Tổng công suất của các nhà sản xuất trong nước đều đã dư nên phải hướng đến thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, phân khúc cao cấp cũng chưa được khai thác nhiều.
Dựa trên nhiều yếu tố, NKG trước mắt chưa tham gia vào phân khúc cung cấp sản phẩm ứng dụng cho xe hơi nhưng có định hướng ứng dụng cho hàng gia dụng.