Chiều ngày 9/4/2021, Chứng khoán Bản Việt (VCSC, VCI) đã tổ chức ĐHĐCĐ trình cổ đông tình hình hoạt động năm 2020, kế hoạch kinh doanh năm 2021 cũng như các hoạt động tăng vốn, phát hành ESOP, cổ tức…
Kết quả năm 2020 nằm ngoài kỳ vọng Công ty
Năm 2020, với sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường, đặc biệt thanh khoản, VCI ghi nhận chỉ số kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, doanh thu tăng 124% lên 1.729,5 tỷ đồng, LNTT tăng 173% lên 951 tỷ đồng. Tổng cho vay cuối năm qua vào mức 3.364 tỷ đồng, tương đương 74,4% vốn chủ sở hữu, 100% là nợ vay ngắn hạn và chủ yếu được dùng cho hoạt động cho vay ký quỹ.
Theo ông Tô Hải – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết kết quả năm 2020 nằm ngoài kỳ vọng Công ty.
Dù vậy, năm qua do ảnh hưởng Covid-19, các hoạt động huy động vốn, M&A xuyên quốc gia bị ngưng trệ, dẫn tới quy mô cũng như giá trị giao dịch mảng IB của Công ty giảm sút mạnh. Tuy nhiên, năm 2021 câu chuyện hoàn toàn khác, ông Tô Hải khẳng định thị trường M&A và huy động vốn sẽ bắt đầu "nóng" trở lại, sau 1 năm trầm lắng.
Nói về câu chuyện thị phần, đại diện VCI cho biết năm qua thị trường chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tên tuổi CTCK mới. Tuy nhiên, theo ông Hải, con số thị phần thực tế trên là ảo, chủ trương của VCI do đó sẽ tập trung tạo lợi nhuận mảng môi giới hơn là chạy đua thị phần, song song duy trì hoạt động mảng trụ cột khác là margin…
Ngược lại, thị phần môi giới cho nhà đầu tư nước ngoài theo vị này mới là đáng ghi nhận, bởi giá trị giao dịch cao. Thực tế, đây là sân chơi không dành cho các công ty mới nổi, khác với thị phần thông thường.
Cũng nói thêm về tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE từ cuối năm 2020 đến nay, phía VCI cho rằng lượng nhà đầu tư mới (F0) tăng mạnh là đúng nhưng đây không phải là tác nhân chính gây tác động lên ngẽn lệnh, mà chủ yếu do lực lượng từ phái sinh đã gây ra trường hợp đó.
Mảng IB sẽ bùng nổ trở lại trong năm 2021, đặc biệt quy mô IPO kỳ vọng lên đến 2,3 tỷ USD
Năm 2021, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.050 tỷ đồng, LNTT 1.250 tỷ đồng. Những con số trên được đưa ra dựa trên tình hình hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam và xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.250 điểm vào cuối năm 2021.
So với năm 2020, VCI kỳ vọng doanh thu tăng 18,5% và LNTT tăng hơn 31%. Cổ tức dự kiến trong mức 10-15%. Theo VCI, động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 là tình hình bệnh dịch được kiểm soát. Dịch Covid-19 sẽ dần được đẩy lùi với việc sản xuất và phân phối vắc xin tại nhiều quốc gia trên thế giới trong năm 2021, trong đó có Việt Nam.
Theo VCI, dự kiến sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán, cụ thể như việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật Chứng khoán mới bên cạnh các luật mới là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Hệ thống văn bản pháp lý hoàn thiện kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ đầu tháng 12/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên (Frontier Markets) theo hệ thống phân loại của MSCI. Với luận điểm trên, bà Nguyễn Thanh Phượng – Chủ tịch HĐQT – dự báo dòng vốn nước ngoài sẽ quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM, và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, mảng IB như đã đề cập theo VCI sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, dự báo sẽ có những thương vụ tỷ USD, cận tỷ USD. Trong đó, VCI kỳ vọng quy mô thị trường vào mức 200 triệu USD, quy mô M&A vào mức 2,3 tỷ USD (đây cũng là mảng VCI xác định là mảng trọng tâm, đặc biệt là các công ty tư nhân), mảng huy động vốn quy mô 100 triệu USD.
Là đơn vị đi đầu mảng IB, VCI khẳng định hoạt động ngân hàng đầu tư sẽ tiếp tục bứt phá trong năm tới. Tiết lộ, các hợp đồng Công ty đang thực hiện có giá trị giao dịch lớn ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2021 ở các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, hàng tiêu dùng, logistics…
Điểm lại năm 2020, các thương vụ thành công lớn VCI thực hiện gồm: Masan Group mua chi phối Bột giặt NET thông qua công ty con là Công ty TNHH Masan HPC (trị giá hơn 500 tỷ đồng); Chuyển nhượng 38,9 triệu cổ phần thứ cấp MSN (trị giá gần 2.330 tỷ đồng) của Masan Group cho quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore GIC; VinaCapital thoái vốn tại Sữa Quốc tế (IDP); niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng TMCP An Bình tại UpCOM….
Về kế hoạch phát hành mới, VCI dự kiến chào bán 900.000 cổ phần ESOP, giá 15.000 đồng/cp - chỉ bằng 1/4 thị giá hiện nay ~65.000 đồng/cp. Thời gian dự kiến sau khi UBCKNN đồng ý và trong năm 2021, tổng số tiền thu được sẽ bổ sung vốn và giảm nợ vay.
Công ty cũng lên kế hoạch phát hành mới 166,5 triệu cổ phần, dự kiến phân phối cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền 1:1. Thời gian dự kiến trong năm 2021, sau khi chào bán xong ESOP. Sau khi phát hành, VCI dự kiến tăng vốn lên 3.330 tỷ đồng. Vốn hiện tại của VCI là 1.656 tỷ đồng.
Đại hội bước vào phần thảo luận
1. Lợi nhuận 2021 đến từ hoạt động nào?
Năm nay nếu TTCK ổn định theo dự định, ông Hải cho biết sẽ chia đều lợi nhuận cho 3 mảng, khác những năm trước đó.
2. Các dự án M&A, IPO nào?
Lấy ví dụ điển hình, ông Hải cho biết đang là nhà tư vấn chính cho Đất Xanh Services, giá trị vào khoảng 100 triệu USD. Ngoài ra, quy mô dự kiến IB vào khoảng 2,6 tỷ USD, dự kiến sẽ cố gắng thực hiện hết trong năm 2021, trong đó có một vài thương vụ nước ngoài.
3. Ước kết quả quý 1/2021?
Tổng lợi nhuận nếu hạch toán cả thì vào khoảng 850 tỷ đồng, tuy nhiên VCI dự kiến giữ lại 500 tỷ. Lợi nhuận quý đầu năm theo đó tương đương 350 tỷ đồng.
4. Thị phần giảm, Công ty có ý kiến gì?
Bản thân ông Hải khẳng định không quá quan tâm đến thị phần, vì không thể hiện được giá trị thật của doanh nghiệp. Hầu hết các công ty có thị phần lớn gần như lỗ ở mảng môi giới, trong khi VCI đang lãi hơn 100 tỷ.
"Theo tôi, chiếm thị phần trong kinh doanh chỉ có 2 hình thức:
Thứ nhất, chiếm thị phần độc quyền và tăng giá, như Grab.
Thứ hai là ngành tiêu dùng, chiếm thị phần bằng lợi thế cạnh tranh, cuối cùng có thị phần cao cũng làm chủ giá.
Còn ngành CTCK khá đặc thù, cạnh tranh bằng hạ giá, giảm phí. Nhưng đến một khi không còn hạ giá nữa thì khách hàng cũng dễ rời bỏ. Do đó, theo tôi con đường duy nhất là tập trung vào chất lượng dịch vụ, và đây là con đường VCI đi, dù thị phần có giảm đến đâu.
Tôi vẫn thường nói với nhân viên, công ty chúng ta là kinh doanh chứ không phải làm showbiz để mà đánh bóng tên tuổi. Với VCI, chỉ cần tăng chất lượng dịch vụ sẽ giữ chân được khách hàng, song song tăng được hiệu suất sinh lời thực", ông Hải trả lời.