Sáng ngày 15/3, CTCP Vicostone (HNX: VCS) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 để trình lên một số vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Đại hội có sự tham gia của 73 cổ đông, đại diện cho 69,5 triệu cp, tương ứng 86,77% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty.
Đại hội đã thông qua tất cả nội dung HĐQT trình. Bà Trần Thị Phương Hoa được bầu vào thành viên BKS công ty.
ĐHĐCĐ VCS sáng 15/3
Doanh thu hoạt động cốt lõi 2018 có thể tăng 27-28%
Năm 2018, Vicostone đặt mục tiêu đạt 5.290 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 20% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.355 tỷ đồng, tăng 20,4%. Tổng số lao động dự kiến tăng 26 người, lên mức 666 người.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hồ Xuân Năng, thực chất nếu chỉ xét kết quả kinh doanh cốt lõi, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2018 cao hơn. Năm 2017, doanh thu của VCS một phần đến từ bất động sản (là khoản ghi nhận doanh thu nhưng không có lợi nhuận - dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên). Nếu loại bỏ khoản thu này, chỉ tiêu doanh thu của VCS sẽ tăng trưởng 27-28%.
Theo vị Chủ tịch, năm 2018 công ty sẽ phải đối mặt với những đối thủ sử dụng công nghệ của Trung Quốc có chi phí đầu vào rẻ hơn, việc này đã được dự báo từ trước. Công ty cần lưu tâm hơn đến tính cạnh tranh, khi mà các đơn vị từ Trung Quốc đã có được tiến bộ công nghệ nhất định, mặc dù vẫn còn sự khác biệt về hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Sự tham gia của các đối thủ này có thể sẽ gây nhiễu loạn trên thị trường, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, năm 2018 các chi phí đầu vào sản xuất cũng sẽ tăng giá (giá dầu, hóa chất, nguồn đá…). Với những yếu tố trên, việc đặt ra mục tiêu doanh thu của ngành kinh doanh lõi tăng trưởng 28% là nỗ lực lớn của công ty.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I, ông Năng cho biết, 95% doanh thu của VCS đến từ xuất khẩu nên thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và Noen đã ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, đây là diễn biến bình thường hàng năm. Công ty ước kết quả kinh doanh quý I sẽ đạt khoảng 20% kế hoạch năm.
Kết thúc năm 2017, Vicostone đạt trên 4.408 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 35% so với năm 2016 và vượt 2% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.125 tỷ đồng, tăng trưởng 37,4% so với năm 2016 và hoàn thành vượt mức 12,5% chỉ tiêu năm. EPS đạt 13.461 đồng/cổ phiếu.
Với kết quả đạt được HĐQT công ty trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 gồm chia cổ tức bằng tiền tổng tỷ lệ 40%, trong đó đã tạm ứng làm 2 đợt, mỗi đợt 20%.
Ngoài ra Vicostone cũng trình trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ trên BCTC kiểm toán gần nhất. Thời gian phát hành ngay sau khi được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 chấp thuận và hoàn thành trong năm 2018.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng trình thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá bán và khối lượng phát hành ủy quyền cho HĐQT quyết định nhưng tỷ lệ không vượt quá 5% vốn của công ty. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2018.
Công ty dự kiến bổ sung ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản xuất, kinh doanh hóa chất và buôn bán vật liệu thiết bị máy móc phụ tùng trong ngành xây dựng, cùng một số ngành nghề khác. Vấn đề này được đưa ra lấy ý kiến cổ đông tại đại hội.
Cuối cùng, đại hội còn tiến hành bầu thay thế thành viên Ban kiểm sát với ứng viên là bà Trần Thị Phương Hoa được Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A đề cử. Bà Trần Thị Phương Hoa sinh năm 1981, là thạc sĩ tiền tệ, tài chính và kinh tế quốc tế, thạc sĩ Viễn thông, công nghệ thông tin.
Bà từng giữ vị trí trợ lý Phó tổng giám đốc, phụ trách đầu tư và quan hệ cổ đông của CTCP Đầu tư Nam Long, từng là Giám đốc tư vấn đầu tư của CTCP Quốc tế Trí Tin, tư vấn độc quyền của quỹ đầu tư Red River Holding.
Hiện nay, bà Hoa đang là Giám đốc truyền thông của VCS và Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A.
Đại hội thảo luận:
Kết thúc 2018, công ty sẽ hoàn thành nội địa hóa khâu đầu vào
Năm 2018 sẽ hết hợp đồng công nghệ với đối tác Ý Breton, nhiều đối thủ có thể mua lại công nghệ sản xuất và giảm giá bán nhằm dành thị phần, công ty có lo ngại điều này không?
Ông Hồ Xuân Năng:Thực chất, hợp đồng độc quyền với Breton đã hết hạn từ tháng 7/2017 và theo công ty đây không phải là vấn đề lớn. Nếu xét về mặt cạnh tranh, hiện nay đã có 5, 6 công ty mua công nghệ Trung Quốc về sản xuất đá tại Việt Nam nhưng với VCS hầu như không bị ảnh hưởng. Mặt khác nếu có doanh nghiệp mua lại công nghệ Breton thì việc có thêm đối thủ cũng là điều tốt để công ty nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, để một đơn vị có thể vận hành công nghệ và trở thành đối thủ của VCS thì còn cần rất nhiều thời gian.
Xin chia sẻ về kế hoạch nội địa hóa nguyên liệu của VCS?
Ông Hồ Xuân Năng:Kết thúc 2018, công ty sẽ hoàn thành nội địa hóa khâu đầu vào. Nhà máy Phenikaa Huế sau khi xây dựng xong sẽ được bàn giao cho VCS. Đây cũng là một lợi thế đặc biệt của VCS, nếu đối thủ khác muốn thực hiện việc này cũng mất rất nhiều thời gian.
Tình hình sử dụng lượng tiền mặt, vay nợ tín dụng và hàng tồn kho của công ty?
Ông Hồ Xuân Năng:Công ty duy trì lượng tiền mặt lớn và sử dụng nguồn vốn tín dụng đang rất hiệu quả, hợp lý. Nếu sử dụng lượng tiền mặt để trả toàn bộ nợ thì có thể giảm nợ vay đáng kể nhưng hiện VCS có lợi thể vay vốn lãi suất thấp bằng USD, trong khi nếu giữ tiền mặt bằng VNĐ có thể lợi ích lớn hơn. Bên cạnh đó, công ty có thể chủ động nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh.
Về hàng tồn kho, giá trị rơi vào khoảng 50 triệu USD đến từ nguyên liệu đầu vào hóa chất, nguồn hàng từ các đơn vị khác và hàng VCS sản xuất, con số này chỉ bằng 1 quý xuất khẩu của công ty, không hề đáng lo ngại. Việc duy trì lượng hàng tồn giúp công ty có thể đáp ứng nguồn cung và giao hàng nhanh cho đối tác, tạo lợi thế chiếm lĩnh thị trường.
Hiện nay, thị trường Mỹ vẫn là trọng tậm chủ yếu của công ty, sau đó là Úc và châu Âu. Thị trường châu Phi, Trung Quốc, công ty cũng cung cấp nhưng rất ít và chủ yếu bán cho khách hàng thuộc phân khúc cao cấp. Ông Năng kỳ vọng khi Trung Quốc phát triển và tầng lớp thưởng lưu mở rộng, công ty sẽ mở rộng được sang các thị trường này. Mặt khác, thị trường Bắc Mỹ và Canada văn hóa sử dụng đá thạch anh cũng đang dần trở nên phổ biến, và là thị trường tiềm năng của công ty. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhưng yêu cầu lại tương đối khắt khe đòi hỏi loại chất liệu mỏng nhỏ và nhẹ, khiến chi phí rất lớn.