Sáng nay, ngày 21/4/2018, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Sau khi HĐQT, BKS và Ban điều hành báo cáo hoạt động ngân hàng và trình bày các tờ trình, phiên Đại hội tiến vào phần thảo thuận.
Quý 1 lãi hơn 3.000 tỷ đồng trước thuế
Cập nhật về tình hình kinh doanh của ngân hàng, lãnh đạo VietinBank cho biết, quý 1,lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt được là trên 3.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ tịch VietinBank cho biết, 2 năm gần đây là 2017 và 2018 đã có tăng trưởng ngay từ đầu năm và riêng năm nay có sự bứt phá mạnh.
Tổng tài sản cuối quý tăng 1,6% đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tín dụng tăng 3,3% tương ứng đạt 886.000 tỷ đồng, cao hơn so với mặt bằng chung toàn ngành (2,23%). Huy động vốn đạt trên 1 triệu tỷ, tập trung đến từ thị trường 1 ổn định. Tỷ suất sinh lời ROA, ROE cũng tích cực, lần lượt đạt 1,12% và 15,32%.
Tăng thu ngoài lãi, nâng tỷ trọng lên chiếm 20% thu nhập
Cổ đông hỏi về chiến lược tăng thu nhập ngoài lãi cụ thể của ngân hàng, lãnh đạo VietinBank cho biết tăng thu nhập ngoài lãi là nhiệm vụ trọng tâm đối với ngân hàng, đảm bảo ngân hàng phát triển an toàn và bền vững hơn. "Năm 2017, tỷ trọng thu ngoài lãi đã tăng lên 17%, kế hoạch 2018 nâng lên ở mức 20%. Tăng thêm 3% nghe có vẻ nhỏ nhưng khá thách thức vì phải nâng thu từ phí dịch vụ 30% thì mới cải thiện được khi mà tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao". Tuy nhiên lãnh đạo cũng tự tin rằng, với hệ thống công nghệ mạnh, ngân hàng có thể hoàn thành được mục tiêu này.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, tăng trưởng vốn huy động trên cơ sở cho vay và đầu tư nền kinh tế để sao không dư thừa, không thiếu hụt và đảm bảo thanh khoản an toàn. VietinBank cũng là một ngân hàng có thanh khoản tốt nhất trên thị trường Việt Nam. Năm 2018, tín dụng dự kiến tăng 14%, nhưng cụ thể sẽ phụ thuộc vào diễn biến thị trường, huy động vốn tăng 10-14%.
Kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới
Câu chuyện tăng vốn là vấn đề được nhiều cổ đông thắc mắc khi mặc dù vẫn đang dẫn đầu hệ thống nhưng vốn điều lệ của VietinBank nhiều năm chưa thể tăng lên. Ông Lê Đức Thọ cho biết, cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng là 10% theo thông tư 36 của NHNN, cao hơn so với yêu cầu của NHNN 9%. "Chúng tôi tiếp tục duy trì CAR an toàn. Khi thực hiện Basel II, chúng tôi sẽ giữ CAR ở mức 9%, cao hơn mức 8% theo yêu cầu của Basell II", ông Thọ cho biết sẽ duy trì đệm dự phòng 1% cao hơn so với yêu cầu.
Về tăng vốn, lãnh đạo VietinBank cho biết từ năm 2013 đến nay chưa tăng được vốn điều lệ vì đã tìm nhiều cách và khai thác hết dư địa trong đa dạng cổ đông. Tuy không tăng được vốn điều lệ nhưng ngân hàng đã làm nhiều biện pháp để tăng vốn tự có, trong đó có phát hành trái phiếu thứ cấp, được thực hiện trong thời gian vừa qua nên dù chưa tăng vốn điều lệ vẫn đảm bảo được an toàn vốn. Năm 2017, ngân hàng đã phát hành 4.200 tỷ đồng trái phiếu và năm nay có thể sẽ phát hành tiếp.
"Hết 2017 chúng tôi nhận thấy dư địa để khai thác tăng vốn không còn nhiều nên chúng tôi phải tính đến tăng vốn từ các cổ đông. Chúng tôi nhiều lần đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng quy định hiện nay chưa làm được, hy vọng có thể làm trong sau này. Chúng tôi cũng đã có đề án gửi NHNN để tăng vốn điều lệ trong thời gian tới", ông Thọ nói.
Dừng sáp nhập PGBank, VietinBank có thể tìm đến ngân hàng khác để thay thế
Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, lý do không sáp nhập với PGBank là vì quá trình đàm phán sáp nhập kéo dài, thay đổi diễn biến thị tường nhanh nên hai bên đã không đi đến được sự đồng thuận. Ngân hàng cũng sẽ có kế hoạch phát triển kinh doanh thay cho kế hoạch 3 năm trước.Về kế hoạch mua hay sáp nhập ngân hàng khác, hoàn toàn có thể xảy ra.
Chưa có kế hoạch lợi nhuận cụ thể
Cổ đông thắc mắc về mục tiêu lợi nhuận năm nay tại sao không có trong tài liệu họp, lãnh đạo ngân hàng cũng chưa đề cập; ông Lê Đức Thọ trả lời rằng kế hoạch đã có nhưng ngân hàng đang trình lên NHNN và Bộ Tài chính để xem xét nên chưa thể trình lên cổ đông trong ngày hôm nay và HĐQT sẽ có văn bản thông báo sau.