Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng tuân thủ các quy tắc khi thực hiện mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, trực tuyến.
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 thì loại hình kinh doanh này ngày càng được quan tâm sử dụng và trở nên phổ cập.
Thời gian qua trên cả nước đã xuất hiện nhiều sàn TMĐT thu hút lượng khách hàng lớn như Sen đỏ, Lazada, Tiki, Shopee… Nhờ đó, người tiêu dùng không phải mất thời gian đến trực tiếp các cửa hàng, cũng không phải chờ đợi lâu để thanh toán…, mà chỉ cần ở nhà, truy cập internet, thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mong muốn. Sản phẩm sau đó sẽ được giao đến tận nơi theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì giao dịch qua TMĐT hay mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái.… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Chỉ cần ở nhà truy cập internet, thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mong muốn. Ảnh minh họa: KT |
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng của Cục thời gian qua đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng TMĐT.
Đơn cử như trường hợp của anh N.H.T.A, cư trú tại TP.HCM đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐT với giá 689.000 đồng vào tháng 6/2021. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh, có 1 đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân của anh để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị.
Anh N.H.T.A đã không biết việc này và tin tưởng rằng, đây là đơn hàng của mình, nên đã nhận hàng và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, anh N.H.T.A phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh N.H.T.N đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn TMĐT và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.
Một vụ việc tương tự của anh N.V.T cư trú tại Vĩnh Long. Anh N.V.T đã đặt mua hàng của 1 shop trên sàn TMĐT vào tháng 10/2020. Sau khi nhận hàng và trả tiền, Anh N.V.T phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà anh đã đặt.
Ngay lập tức anh đã kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn TMĐT thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh N.V.T đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Một trường hợp khác là chị N.T.N, cư trú tại TP.HCM đã đặt mua sản phẩm Sữa ong chúa tại 1cửa hàng trên trang Facebook trong tháng 5 vừa qua. Sau khi bóc kiện hàng và thấy sản phẩm không đúng với đơn hàng đã đặt, chị N.T.N đã liên lạc với bên giao hàng và cửa hàng bán sản phẩm trên facebook đều không được hỗ trợ giải quyết. Cửa hàng đã tìm cách thoái thác, trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tránh việc quyền lợi người tiêu dùng của mình bị xâm phạm, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại người tiêu dùng.
Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình.
Người tiêu dùng nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín. |
Người tiêu dùng nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín, đặc biệt là các sàn TMĐT đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động. Khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hường dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Thông báo chi tiết hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
(Theo VOV)