Không co cụm phòng thủ, nhiều doanh nghiệp (DN) tận dụng Covid-19 để đầu tư, đào tạo nhân lực, tạo dựng nền tảng sẵn sàng cho cơ hội hồi phục sau đại dịch.
Thời khó vẫn bỏ nghìn tỷ đầu tư
Thị trường chưa hết khó khăn nhưng Công ty cổ phần Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) vẫn kiên trì kế hoạch 2020 – 2021 xây xong các nhà máy ở Đồng Nai, Hải Phòng và tuyển thêm hơn 900 nhân viên. Đến nay, Nhà máy Gạch Nhựa SPC tại Đồng Nai đã chạy hết công suất 4 dây chuyền lắp đặt. DN đã ký hợp đồng với Tập đoàn MSI - nhà phân phối vật liệu xây dựng (VLXD) hàng đầu của Mỹ với doanh số hơn 1 tỷ USD để tăng xuất khẩu sang thị trường VLXD lớn nhất thế giới. Đơn hàng xuất khẩu tháng 12/2020 trị giá 50 tỷ đồng đã cập cảng.
Các dây chuyền tiếp theo dự kiến lắp đặt xong vào cuối tháng 3 năm nay để nhà máy trị giá hơn 300 tỷ đồng, công suất 12 triệu m2 sàn gạch nhựa SPC/năm hoàn thiện đúng kế hoạch. Một nhà máy mới ở Hải Phòng có tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng với sản lượng 14 triệu m2/năm cũng đang triển khai.
Công ty CP Vĩnh Hoàn vừa hoàn tất mua cổ phần chi phối Công ty CP Chế biến thực phẩm Sa Giang từ SCIC. DN đã theo đuổi thương vụ này suốt 2 năm qua nhằm đa dạng hóa sản phẩm sang các món chế biến sẵn, bên cạnh xuất khẩu cá tra dạng file.
Tại Tổng công Thép Việt Nam (VTM), ông Lê Song Lai, Chủ tịch HĐTV cho biết, DN và các đối tác trong Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM), 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, đang xem xét đầu tư dây chuyền luyện cốc gần 400 tỷ đồng. Ông Lai tính toán, nếu chủ động về cốc, VTM nhiều khả năng sẽ thoát lỗ và duy trì lợi nhuận từ chủ động sản xuất phôi thép.
Bỏ ra cả trăm, nghìn tỷ đầu tư giữa thời đại dịch là 1 sự mạo hiểm và không ít người cho rằng rủi ro nhưng theo bà Trần Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn - sau đại dịch, các nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ là cơ hội lớn cho DN tăng tốc. DN phải chủ động để đưa sản phẩm phủ rộng các kênh phân phối, trong đó có cả các hệ sản phẩm mới.
Ông Lê Song Lai lại giữ quan điểm, phải đầu tư mới đem lại lợi nhuận và sự tăng trưởng bền vững. Vì thế, chúng tôi xác định VTM phải tái cơ cấu để có lãi từ sản xuất phôi. Khi đầu ra không còn là vấn đề vì phôi sẽ có các đơn vị trong hệ thống bao tiêu hết thì quan trọng là hạ chi phí, giá thành để có lãi.
Với Pha Lê, quyết định tiếp tục đầu tư các nhà máy vào giữa 2020, thời điểm khó khăn nhất khi trên cả nước và toàn cầu dịch bệnh đang cao điểm. Mọi hy vọng về dập dịch và vắc xin chưa hề lạc quan. Nhưng lãnh đạo DN này cho rằng, họ tính toán và chấp nhận đầu tư, thậm chí tính cả bài toán kéo dài để hoàn thiện dây chuyền, nhân sự, quản trị, kết nối phân phối để sẵn sàng vào cuộc chơi ở Mỹ khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nói về lối đi ngược của nhiều DN, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, các DN tuy tổn thất nặng nề nhưng không chỉ cố gắng đảm bảo tính an sinh xã hội mà vẫn đầu tư phát triển. Điều này cho thấy “độ lì” của DN rất cao, không những thế, các DN còn đầu tư đón đầu để xoay chuyển tình thế khi có cơ hội.
Năm 2020, vượt lên trên khó khăn đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương gần 3% khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tăng trưởng âm. Trong đó, bên cạnh các nguồn lực từ đầu tư công, FDI thì sức sống mạnh mẽ từ những DN nội địa như trên chính là một động lực duy trì sự tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam.
Rủi ro trước mắt và cơ hội đường dài
Đầu tư lớn, các DN cũng lường trước nhiều rủi ro sẽ phải đối mặt. Dù dồn lực đầu tư đạt quy mô 26 triệu m2 ván sàn/năm, lọt top 5 nhà sản xuất ván sàn lớn nhất thế giới nhưng rủi ro mà Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Công ty cổ phần Nhựa Pha Lê nhắc đến chính là phải dự liệu làm sao đủ sức chịu đựng vì đại dịch Covid khó lường.
Không chỉ xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng và đạo tạo nhân lực mà để kết nối với thế giới, doanh nghiệp còn phải đầu tư lớn cho hệ thống quản trị hiện đại để có thể giúp truy xuất, kiểm tra dữ liệu và kết nối với khách hàng. Điều này không thể ngày chỉ ngày một ngày hai mà có được.
Theo ông Phương khi cuộc chơi chưa chủ động được do phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch trên toàn cầu, Nhựa Pha Lê đã dự liệu thời gian, tính toán để điều chỉnh chi phí xuống mức thấp nhất… tập trung chuẩn bị để đón đầu cơ hội, cuối năm 2021 dịch bệnh được kiểm soát ổn định. Lúc đó, DN nào chuẩn bị kỹ sẽ là những người đầu tiên tập hợp được đầy đủ cơ sở vật chất để bắt nhịp sớm với thị trường.
“Bây giờ đang dồn hết tích lũy của doanh nghiệp, thậm chí huy động của cả cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp để trang trải, chuẩn bị tốt cho giai đoạn tới”, ông Phương chia sẻ
Ông Lê Song Lai cũng nêu quan điểm, khi đã xác định đầu tư, phải quyết liệt, dứt điểm.
Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp cuối tuần qua, dễ thấy điểm chung ở các DN hàng đầu là liên tục có những bài toán đầu tư mới, ấp ủ những kế hoạch kinh doanh tham vọng. Muốn thế, các tập đoàn lớn của Viêt Nam đang thu hút nhiều nhân sự cấp cao, nhiều tài năng người Việt ở nước ngoài về đầu quân để tính chuyện lớn.
“Người Việt mình trong lúc này phải tấn công, tính dân tộc của đội ngũ nhân sự cấp cao người Việt là rất lớn”, ông Mai Thanh Phương rút ra nhận xét sau 3 năm liền đi ‘cầu hiền’ về cùng gánh vác công việc.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 10/2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines. Và xét tuyệt đối, GDP của Việt Nam vượt cả Singapore và Malaysia, lần đầu tiên đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NIFC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021- 2025 có thể đạt mức 6,8%/năm. Trong khi đó, nhóm tư vấn FIDT dự báo mô hình hồi phục chữ V trên toàn cầu là khả thi cho 2021 khi mức độ phổ cập của vaccine sẽ được đẩy mạnh trong quý I. Tiêu dùng toàn cầu hồi phục sẽ giúp cho các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bên cạnh đó tiêu dùng nội địa đã phục hồi sẽ tác động mang tính lan toả và cộng hưởng tới kinh tế Việt Nam và cơ hội thành công sẽ rõ rệt hơn cho những người dám mạo hiểm đi ngược trong đại dịch.
Mai Minh