Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) là một nghiên cứu trên toàn thế giới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại các quốc gia thành viên và không phải thành viên nhằm đánh giá các hệ thống giáo dục thông qua việc đánh giá kết quả học tập của học sinh 15 tuổi trong toán học, khoa học và đọc hiểu.
PISA lần đầu được tổ chức vào năm 2000 và sau đó lặp lại 3 năm 1 lần. Bài kiểm tra có thể đo lường khả năng giải quyết vấn đề và nhận thức của học sinh.
Kết quả vượt trội
Việt Nam đã tham gia Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) lần đầu tiên vào năm 2012 và kết quả đạt được cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác tham gia vào sáng kiến này. Điểm PISA của học sinh 15 tuổi trong các môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học được hiệu chỉnh theo giá trị trung bình của OECD là 500 và độ lệch chuẩn là 100 điểm.
Chỉ một số nước đang phát triển tham gia PISA, có lẽ vì hầu hết các nước này có kết quả thấp hơn nhiều so với các nước OECD. Trong cơ sở dữ liệu của OECD-PISA 2012, có bảy quốc gia khác ngoài Việt Nam có GDP bình quân đầu người (tính theo đô la PPP năm 2010) dưới 10.000 USD - là Albania, Colombia, Indonesia, Jordan, Peru, Thái Lan và Tunisia.
Trong bài viết này, nhóm các quốc gia trên sẽ được tạm gọi là nhóm Dev7 (7 quốc gia đang phát triển).
Theo nghiên cứu được công bố bởi World Bank, 2 tác giả Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik đã chỉ ra một số yếu tố có khả năng cao dẫn tới học lực "cao kì lạ" của các học sinh Việt Nam. Một số yếu tố được nhắc tới trong nghiên cứu được liệt kê trong bảng dưới đây:
4 yếu tố chính được nghiên cứu bao gồm: Học sinh, Phụ huynh, Giáo viên và Nhà trường.
Chuyên gia dự đoán lí do
Dựa trên các yếu tố được trình bày trong sơ đồ nêu trên, các khám phá chính của nghiên cứu được tóm tắt như dưới đây:
Học sinh: Học sinh ở Việt Nam thường đi học mầm non nhiều hơn các nước Dev7 và ít khi bị "ở lại lớp". Các em có xu hướng cư xử kỷ luật hơn ở trường, bỏ buổi học ít hơn và chịu nhiều trách nhiệm hơn đối với việc học của mình.
Học sinh Việt Nam ít khoe khoang về khả năng và kinh nghiệm của mình và còn chăm chỉ học tập hơn, đặc biệt là thời gian đi học thêm ngoài giờ cũng cao hơn các bạn tại các nước Dev7. Học sinh Việt Nam tỏ ra ít lo lắng hơn về toán học và có mức độ tin tưởng cao hơn về tính hữu ích của toán học trong tương lai của các em.
Theo nghiên cứu, một lời giải thích khả thi cho việc học sinh Việt Nam ít khẳng định mình giỏi là do học sinh tại đây được nuôi dưỡng trong một nền văn hóa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khiêm tốn trên con đường học tập. Các em có thể cảm thấy không thoải mái khi nói về những điều tuyệt vời của bản thân, vì một số phép tắc văn hóa không đề cao những việc được coi là khoe mẽ.
So với các nước Dev7, học sinh Việt Nam ít nghỉ học hơn, học thêm nhiều hơn và ít nói về thành tích của bản thân hơn.
Phụ huynh: Phụ huynh ở Việt Nam có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới việc học của con cái so với phụ huynh của học sinh ở các nước Dev7. Mặc dù thời gian dành cho việc giúp đỡ bài tập về nhà ở cả hai nhóm là tương đương nhau, nhưng phụ huynh Việt Nam có nhiều khả năng tình nguyện tham gia gây quỹ cho nhà trường và giúp đỡ giáo viên với tư cách là "trợ giảng" cho các con.
Các bậc cha mẹ Việt Nam cũng có nhiều khả năng tự muốn gặp giáo viên để thảo luận về sự tiến bộ hoặc hành vi của con nhỏ. Các hiệu trưởng ở Việt Nam cho biết mức độ áp lực của phụ huynh cao hơn.
"Luôn luôn có áp lực từ phụ huynh, các bậc cha mẹ hi vọng rằng trường học sẽ đặt ra tiêu chuẩn học tập cao và sẽ cố gắng để các học sinh đạt được các mục tiêu đó".
Ngoài ra, nghiên cứu còn đề cập tới các "bà mẹ hổ" (Tiger mom). Đây là biệt danh chỉ những người mẹ nghiêm khắc, khó tính, và kỳ vọng rất nhiều ở con. Mẹ hổ có niềm tin lớn vào lao động và tri thức, luôn muốn con học giỏi, thành đạt. Tỉ lệ mẹ hổ (thúc giục con học và tạo áp lực để giáo viên dạy) và mẹ tham gia hỗ trợ con học tập ở Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước Dev7.
Giáo viên: Giáo viên có trình độ học vấn chính quy tương đương nhau ở cả Việt Nam và Dev7, nhưng giáo viên Việt Nam có nhiều hoạt động phát triển chuyên môn hơn. Ngày càng có nhiều giáo viên chuyên về dạy Toán tại các trường trung học ở Việt Nam, và các giáo viên nói chung cũng có nhiều bằng cấp hơn.
Ở Việt Nam, thành tích của giáo viên có nhiều khả năng được theo dõi hơn, dựa trên thành tích của học sinh và những thông tin này được công khai. Các hiệu trưởng cho biết ít gặp trường hợp giáo viên nghỉ dạy.
Phụ huynh Việt Nam thường có kì vọng cao với học vấn của con cái
Trường học: Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn nhiều so với các nước Dev7, điều này thể hiện ở trình độ học vấn của cha mẹ thấp hơn và trình độ sở hữu nhà thấp hơn, bao gồm cả những thứ được gọi là tài sản văn hóa như tác phẩm nghệ thuật và sách. Ngoài ra, tương đối nhiều học sinh Việt Nam đến trường ở các làng quê và thị trấn nhỏ, phản ánh sự phân bố dân cư trên toàn quốc.
Tuy nhiên, có hai điều đáng chú ý về trường học - mặc dù trường học có ít máy tính hơn so với các nước Dev7, nhưng những máy tính này đều có khả năng được kết nối với internet như ở các nước Dev7. Ngoài ra, các chỉ số về chất lượng cơ sở hạ tầng trường học và nguồn lực giáo dục trường học ở Việt Nam ít thiếu hụt hơn so với Dev7, đây là dấu hiệu cho thấy những khoản đầu tư đáng kể vào trường học trong vài thập kỷ qua.
Ngoài ra, cũng có thể loại trừ việc học sinh học giỏi do cha mẹ đầu tư một khoản khổng lồ để mua các loại sách và ấn phẩm khác giúp con cái có lợi thế hơn trong việc học.
Trên đây là một số nguyên nhân mà nhóm tác giả của World Bank dự đoán về lí do dẫn tới thành tích học tập giỏi tới mức "không thể lí giải" ở Việt Nam , tuy nhiên vẫn chỉ giải thích được một phần và chưa phải là kết luận cuối cùng.
(Còn tiếp...)