Một trong những yếu tố khiến nhiều người tin tưởng vào dự án Pi Network và tích cực đào đồng tiền ảo Pi Coin là hồ sơ của những nhà sáng lập dự án này. Đặc biệt trong số đó là lãnh đạo kỹ thuật của dự án, tiến sĩ Nicolas Kokkalis, người được xem như "linh hồn" của dự án này.
Đó là vì hồ sơ thành tích "khủng" về công nghệ của tiến sĩ này trong trường Stanford. Theo lý lịch về ông Kokkalis đăng tải trên website của dự án Pi Network (minepi.com), trong giai đoạn đầu của công trình tiến sĩ của mình, ông đã tạo ra một framework dành cho việc viết "hợp đồng thông minh" (smart contract) trên những hệ thống phân tán có khả năng chịu lỗi, trước cả khi blockchain và Ethereum ra đời.
Ba người được xem là những nhà sáng lập Pi Network là tiến sĩ Nicolas Kokkalis - lãnh đạo kỹ thuật (phải), tiến sĩ Chengdiao Fan - lãnh đạo sản phẩm (ở giữa) và Vincent McPhillip - lãnh đạo cộng đồng Pi Network (trái).
Ngoài ra ông còn tạo ra nền tảng game trực tuyến Gameyola và StartX, dự án thúc đẩy startup tại Đại học Stanford từ năm 2010 đến năm 2018, trước khi ông bắt tay vào dự án Pi Network - dự án tiền mã hóa và mạng ngang hàng mà ông nguyện dành trọn "100% cam kết nghề nghiệp của tôi" cho nó, trong khi "người vợ và con trai yêu quí của tôi dành trọn 100% cam kết cá nhân của tôi".
"Cha đẻ" không biết mặt "con"
Nhưng điều đáng kinh ngạc là một dự án chiếm trọn "100% cam kết nghề nghiệp" của ông Kokkalis lại không hề xuất hiện trong hồ sơ LinkedIn - mạng xã hội hàng đầu thế giới dành cho doanh nghiệp và người dùng chuyên nghiệp với hơn 200 triệu thành viên. Hồ sơ này lại càng quan trọng đối với một tiến sĩ khoa học như ông Kokkalis. Trong khi đó, các dự án kém quan trọng trước đó như Gameyola hay StartX lại vẫn được ông Kokkalis đề cập đến trong hồ sơ LinkedIn của mình.
Nếu quả thật ông Kokkalis là người sáng lập nên dự án Pi Network, cũng như cam kết dành 100% sự nghiệp của mình cho nó, liệu ông có thể bỏ quên không đề cập đến nó trong hồ sơ nghề nghiệp quan trọng nhất của mình hay không?
Cả hồ sơ trên LinkedIn và trên trường Stanford của ông Kokkalis đều không nhắc đến Pi Network.
Còn nếu hồ sơ LinkedIn của ông Kokkalis không đủ tin tưởng (môi trường ảo mà!) - hãy nhìn vào thành tích của tiến sĩ Kokkalis được trường Stanford - nơi ông học tập và làm việc - đăng tải. Cũng tương tự như hồ sơ trên LinkedIn, các dấu ấn của ông tại Gameyola và StartX đều được nhắc đến, nhưng không một dòng nào trong đó nói đến dự án Pi Network !!
Một chi tiết thú vị khác, tiểu sử của ông Kokkalis trên trang web trường Stanford cũng nhắc đến tài khoản Twitter của ông tại: twitter.com/nkokkalis. Tài khoản này được lập ra từ tháng 10 năm 2008 với lần hoạt động cuối là một dòng tweet được đăng tải vào đầu năm 2013. Và cũng như hồ sơ về ông trên LinkedIn và trường Stanford, không một từ nào nhắc đến dự án Pi Network hay công nghệ của nó.
Trái ngược với tài khoản này là một tài khoản Twitter khác tại: twitter.com/drkokkalis, với avatar cũng của ông Kokkalis nhưng ảnh bìa và các dòng tweet chứa nhiều thông tin về dự án Pi Network này. Trong một dòng tweet từ tài khoản này, có một đường dẫn về tài khoản Twitter nkokkalis và tuyên bố rằng, đó là tài khoản cũ của mình.
Tài khoản Twitter của Kokkalis không hề nhắc đến Pi Network, còn tài khoản còn lại cũng chỉ đăng vài dòng tweet về dự án trong vòng 1 tháng sau khi lập.
Tuy nhiên, tài khoản drkokkalis này mới được thiết lập cách đây không lâu, từ tháng Ba năm 2020 và dòng tweet gần đây nhất từ tài khoản này cũng đã từ tháng Tư năm 2020 - hơn một tháng sau khi tài khoản được lập ra.
Ngoài ra, tài khoản này vẫn được thiết lập muộn hơn một năm so với thời điểm dự án Pi Network bắt đầu. Ứng dụng Pi Network bắt đầu hiện diện trên cửa hàng Google Play Store từ tháng 12 năm 2018 còn dự án được chính thức ra mắt từ ngày 14 tháng 3 năm 2020.
Điều này làm dấy lên một nghi vấn, nếu thật sự là "cha đẻ" và tâm huyết với dự án Pi Network này như mô tả, liệu ông Kokkalis có bỏ bê tài khoản mạng xã hội của mình cũng như không cập nhật tình hình về dự án lâu đến vậy hay không?
Các tài khoản mạng xã hội của tiến sĩ Chengdiao Fan cũng chẳng hề nhắc đến Pi Network
Bên cạnh nhà lãnh đạo kỹ thuật của dự án Pi Network, dự án này còn có một tên tuổi nổi bật khác là tiến sĩ Chengdiao Fan, nhà lãnh đạo sản phẩm. Không có nhiều thành tích được liệt kê về tiến sĩ này, nhưng cũng giống như ông Kokkalis, hồ sơ LinkedIn của tiến sĩ Fan không có một từ nào nhắc đến Pi Network.
Một tài khoản Twitter mang tên Chengdiao Fan được thành lập từ năm 2010 cũng không có dòng tweet nào hay thông tin nào về dự án Pi Network.
Người tâm huyết nhất cũng không còn ở trong dự án
Người cuối cùng trong số những nhà sáng lập dự án này là Vincent McPhilip, nhà lãnh đạo cộng đồng Pi Network. Trái ngược với hai "nhà sáng lập" trên, McPhilip rất tích cực đăng tải thông tin về dự án này trong hồ sơ của mình, cả trên LinkedIn cũng như tài khoản Twitter. Thế nhưng trong hồ sơ LinkedIn của mình, anh McPhilip cũng chỉ đề chức danh của mình là "Cựu lãnh đạo cộng đồng" của dự án này.
Người nhiệt tình nhất với dự án này, Vincent McPhilip cũng không còn hiện diện trong dự án nữa
Trên website chính thức của dự án Pi Network, cái tên Vincent McPhilip cũng không được nhắc đến trong trang giới thiệu về đội ngũ nhân sự của dự án.
Ngoại trừ những dòng liên kết lỏng lẻo trên tài khoản mạng xã hội giữa 3 nhà sáng lập này, có lẽ bằng chứng duy nhất cho thấy sự liên hệ giữa họ là một bức ảnh chụp chung 3 người với nhau - một bức ảnh vô thưởng vô phạt không nói lên được đóng góp của họ cho việc thành lập dự án lừng lẫy thế giới này.
Thật khó có thể tin nổi những nhà sáng lập của một dự án tiền ảo đình đám như Pi Network lại có hồ sơ kỳ lạ đến vậy. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ, liệu họ có thực sự sáng lập hay tham gia vào dự án này hay không. Liệu một dự án như Pi Network có đáng tin không khi 2 trong 3 nhà sáng lập của nó còn không nhắc đến nó trong hồ sơ của mình?