*Bài viết là chia sẻ của Vivian Wang - phóng viên của New York Times đang làm việc và sinh sống tại Hồng Kông.
Ở rìa phía tây của đảo Hồng Kông, cách căn hộ của tôi 2 tòa nhà, cửa hàng Starbucks đã trở thành một nơi giống như công trường xây dựng, hoặc có thể là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kỳ lạ. Người ta chăng dây chằng chịt để rào lại khu vực xung quanh chiếc ghế bành ở gần cửa sổ, các tấm bìa các-tông trắng được kẹp vào các cạnh bàn. Khung cảnh nơi này giờ đây trông như bàn làm việc với các vách ngăn hơn là nơi để bạn bè gặp gỡ trò chuyện.
Vào một buổi tối thứ Ba gần đây, một cặp đôi trẻ ngồi vào một trong những chiếc bàn với vách ngăn trên, cười đùa về một điều gì đó trên chiếc điện thoại của cô gái. Một người đàn ông khác đang làm việc trên laptop, dường như đã quá quen thuộc với những tấm chắn bằng bìa các-tông.
Hồng Kông là một trong những nơi đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và mọi thứ trong thành phố đã thay đổi một cách nhanh chóng.
Tại những tòa nhà công cộng đều có nhân viên kiểm tra thân nhiệt và những biển hiệu trong tháng máy cho thấy các nút bấm thường xuyên được vệ sinh. Tại một chuỗi cửa hàng thuốc, mỗi khách đến mua hàng đều nhận được sticker in logo của hãng – 1 chú mèo màu cam đang nháy mắt – đi kèm lời nhắc nhở: "Hãy rửa tay trong 20 giây. Cảm ơn bạn!"
Những lời nhắc nhở như vậy xuất hiện ở mọi nơi, khắc sâu vào tâm trí mọi người rằng đây không phải là khoảng thời gian bình thường.
4 tháng sau khi đại dịch bắt đầu bùng phát, những tấm biển cảnh báo và nhắc nhở vẫn còn đó. Nhưng thành phố đã hối hả quay trở lại cuộc sống bình thường, dù không hề bỏ qua những cảnh báo về an toàn sức khoẻ. Nhóm tập thái cực quyền tại công viên phía sau căn hộ của tôi đã đông hơn, từ lác đác vài người cao tuổi vừa đeo khẩu trang vừa tập giờ đã lên đến vài chục người.
Đám đông đi dạo dọc theo cảng Victoria ngày càng lớn hơn, những đứa trẻ cười rúc rích phía sau tấm kính nhựa chặn giọt bắn. Nhiều cha chaan teng (nhà hàng kết hợp quán trà trong những năm 1950-1960 ở Hồng Kông) vẫn chạy chương trình giảm giá đối với khách hàng mua mang về, nhưng bàn bên trong cũng không còn nhiều chỗ trống.
Gần đây, Hồng Kông cũng ghi nhận nhiều thông tin tích cực. Trong 30 ngày qua, thành phố này chỉ có 3 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, và cũng chỉ có 4 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Chính phủ đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép người lao động trở lại làm việc và các nhà hàng mở cửa với toàn bộ công suất.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến Covid-19 không còn ảnh hưởng quá nhiều đến mọi khía cạnh của cuộc sống nơi này. Nỗi sợ hãi và lo lắng vẫn còn, nhưng người dân Hồng Kông đã trở nên quá quen thuộc với tâm lý đó – họ chưa hoàn toàn chấp nhận điều bình thường mới này nhưng cũng không phản đối.
Tôi đã có ấn tượng rất mạnh với tình trạng bình thường mới này trong khoảng thời gian lưu trú ở đây.
Tôi từ New York chuyển đến Hồng Kông cách đây 3 tháng. Trước khi lên máy bay, tôi chưa từng đeo khẩu trang. Trong những cuộc trò chuyện trực tuyến của tôi với bạn bè ở Mỹ, câu chuyện luôn xoay quanh việc mất bao lâu để mọi thứ quay trở lại như trước đây. Cuộc sống thực sự giống như trước kia không chỉ là loại bỏ hoàn toàn các lệnh yêu cầu ở yên trong nhà và các hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại mà là khẩu trang và cụm từ "giãn cách xã hội" phải biến mất hoàn toàn.
Nhưng ở Hồng Kông, cuộc sống "thực sự" dường như lại có điểm chung với những gì đang diễn ra, bởi thành phố này đã từng trải qua điều này.
Trước khi đến Hồng Kông, tôi đã đọc về cuộc chiến của thành phố với đại dịch SARS. Tôi biết rằng họ đã chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, khắp thành phố đều bị tác động và có 300 người đã tử vong. Tuy nhiên, tôi không nhận ra rằng trải nghiệm đó đã khắc sâu vào tâm trí người dân ở đây thế nào cho đến khi tôi đến nơi này.
Đeo khẩu trang không phải là điều hiếm thấy ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Hơn nữa, người Hồng Kông có thói quen bấm nút trong thang máy bằng chìa khóa thay vì đầu ngón tay, bởi họ đã làm như vậy trong nhiều năm. Do đó, khi Covid-19 bùng phát, người dân ở đây chỉ đơn giản là làm những điều họ vẫn thường làm và cẩn trọng hơn, đôi khi còn thực hiện cả trước khi chính phủ yêu cầu.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, người dân thành phố này ở nhà nhiều nhất có thể và luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tôi đã gặp nhiều người bạn mới trong những tuần đầu đến đây và không ai trong số đó bắt tay tôi. Lần đầu tiên đi tàu điện ngầm sau khi chuyển đến, tôi có thể nhìn thấy toàn bộ con tàu và rất nhiều ga tàu không một bóng người.
Mặt khác, thói quen cảnh giác và kiểm soát hành động của bản thân đã giúp Hồng Kông "vẫn là mình" trong khi đại dịch vẫn hoành hành, dù nhiều thành phố khác nỗ lực từng ngày để trở về thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra. Tại đây, các bảo tàng, trường học và phòng tập gym đóng cửa, nhưng các nhà hàng, tiệm làm tóc và cửa hàng bán lẻ vẫn hoạt động.
Ở 1 thành phố đông đúc nhộn nhịp như Hồng Kông, chỉ một nửa cuộc sống bình thường cũng đã rất sôi động.
Tuy nhiên, Hồng Kông đang chìm sâu trong suy thoái, mới đây nền kinh tế thành phố này đã ghi nhận đà sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay. Các nhà hàng có thể vẫn mở cửa, nhưng với tâm lý không thoải mái. Một người phụ nữ tôi phỏng vấn hồi tháng 3 đã bỏ công việc làm bảo vệ để trông con sau khi trường học đóng cửa.
Một khu vui chơi bị rào lại ở Hồng Kông (Ảnh: New York Times)
Giống như mọi nơi trên thế giới, người Hồng Kông cũng mệt mỏi. Đôi khi giãn cách xã hội chỉ là "lời nói đãi bôi". Ở một cửa hàng mì cách đây 2 tuần, người phục vụ bàn đã xếp chỗ cho 1 người lạ ngồi cạnh tôi và 2 người bạn. Cô ấy nói: "4 người ngồi gần nhau cũng được", ý muốn nói đến quy định chỉ được tụ tập tối đa 4 người. Giờ thì con số đã được nâng lên mức 8.
Và ở Hồng Kông, ngay cả khi dịch bệnh kết thúc thì trạng thái bình thường thực sự cũng khó có thể quay trở lại. Các cuộc biểu tình đã khiến thành phố này chao đảo trong gần như cả năm ngoái và nhiều người tin rằng tình trạng đó sẽ sớm trở lại. Bởi vậy, có lẽ còn lâu tôi mới có thể biết cuộc sống thực sự bình thường ở Hồng Kông sẽ như thế nào. Tuy nhiên, dường như điều đó không còn quá quan trọng với người dân nơi này.