Với đường bờ biển dài 137km, chạy dọc từ huyện Nghi Xuân đến huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Theo Công ty Cổ phần Phong điện HBRE Hà Tĩnh, đây là mặt bằng lý tưởng để đầu tư dựng các tuabin đón gió và trạm điều hành điện gió.
Theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Hà Tĩnh có tổng mức bức xạ mặt trời tương đối cao, trung bình 1.562 kWh/m2/năm, số giờ nắng trung bình trên 1.600 giờ/năm.
Khu vực biển Kỳ Nam có lượng gió rất lớn, với tốc độ gió trung bình trong năm đạt trên 8m/s, trong đó, nhiều tháng lên đến 9m/s. Đây là tốc độ gió lý tưởng để làm dự án điện gió hiệu quả (tốc độ gió bình quân cho lắp đặt điện gió là 6,5m/s).
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng truyền tải điện khá tốt với 2 trạm biến áp 500 kV, 5 tuyến đường dây 500 kV, 2 trạm biến áp 220 kV, 9 tuyến đường dây 220 kV, 9 trạm biến áp 110 kV, 13 tuyến dây 110 kV và hơn 2.640 km đường dây trung, hạ áp. Đây là hạ tầng quan trọng để thu hút doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sản xuất điện và truyền tải lên lưới.
Với những đặc điểm thuận lợi trên, địa phương này thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió. Cuối năm 2020, dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh tại Thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng và có công suất thiết kế 120 MW (25 tuabin gió). Sản lượng điện thương phẩm hằng năm của dự án ước tính 350,357 GWh/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án điện gió khác như Dự án Nhà máy điện gió Kỳ Anh ĐT2 công suất 49,5MW, Dự án Nhà máy điện gió Eco Wind Kỳ Anh có công suất 498MW, Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Kỳ Anh công suất 800MW, Dự án Nhà máy điện gió huyện Cẩm Xuyên công suất 250MW (gần bờ biển địa phận huyện Cẩm Xuyên)...
Mới đây, Tổng công ty Cổ phần xây dựng điện Việt Nam (VNECO) đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió tại Kỳ Anh với tổng mức đầu tư gần 5.500 tỷ đồng. VNECO đề xuất được đầu tư dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh có công suất 120MW tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 2.430 tỷ đồng.
Ngoài ra, VNECO đề xuất đầu tư tiếp dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh PT1, PT2, PT3 có tổng công suất 150MW tại huyện Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 3.040 tỷ đồng. Trong đó, vốn của doanh nghiệp 608 tỷ đồng, nguồn vốn huy động là 2.432 tỷ đồng.
Việc ưu tiên đầu tư các dự án năng lượng, nhất là các dự án năng lượng tái tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn Hà Tĩnh mà còn góp phần thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh góp phần thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.