Vừa qua, Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã thêm niken vào danh sách đề xuất về "50 khoáng chất quan trọng" - được xác định dựa trên yếu tố là những khoáng chất thiết yếu đối với kinh tế hoặc an ninh quốc gia và có chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn - trong khi 4 loại khoáng sản khác như kali, đã bị loại khỏi danh sách năm 2021.
Niken là một trong nhiều tài nguyên đang được săn đón trên thế giới, nhất là khi nó được sử dụng nhiều trong ngành công nghệ tương lai như pin xe điện.
Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ niken của thế giới và dự báo sẽ tiếp tục tăng do hoạt động sản xuất thép không gỉ và sản xuất pin ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có những thách thức được đặt ra bởi tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 và lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia.
Sản xuất thép niken của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu quặng niken của Indonesia, nên sẽ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất khẩu quặng của Indonesia được áp dụng từ tháng 1/2020. Việc nhập khẩu quặng niken của Trung Quốc có thể được thay thế bằng nhập khẩu quặng từ Philippines, hàng tồn kho hoặc loại niken đã qua chế biến.
Theo cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng niken trên toàn thế giới hiện nay ước tính vào khoảng 89 triệu tấn, trong đó 3 nước có trữ lượng lớn nhất là: Indonesia, Australia, Brazil.
Cụ thể: Indonesia là nước có trữ lượng niken lớn nhất với 21 triệu tấn, chiếm 23,60%, tiếp theo là Australia với 20 triệu tấn chiếm 22,47% và Brazil với 11 triệu tấn chiếm 12,36% tổng trữ lượng toàn thế giới.
Sản lượng niken khai thác trên thế giới năm 2019 ước tính khoảng 2,7 triệu tấn chủ yếu từ các quốc gia như: Indonesia - 800 nghìn tấn, Philippin - 420 nghìn tấn, Nga - 270 nghìn tấn, New Caledonia - 220 nghìn tấn, Canada - 210 nghìn tấn, Australia - 210 nghìn tấn, Trung Quốc - 110 nghìn tấn.
Sản lượng khai thác niken tăng nhanh trong ba năm liên tiếp gần đây, trong đó năm 2019 đã tăng 7,3% đạt 2,7 triệu tấn. Sản lượng khai thác của Indonesia đã tiếp tục đà tăng trưởng, với sản lượng năm 2019 tăng 40% so với năm 2018, ước tính đạt 854.000 tấn, do các dự án mới và cơn sốt xuất khẩu trước khi Chính phủ Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng niken. Indonesia hiện chiếm khoảng một phần ba sản lượng khai thác trên thế giới.
Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu công bố trên Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công thương), tổng trữ lượng và tài nguyên niken ở Việt Nam ước tính khoảng 3,6 triệu tấn niken kim loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa hơn 3 triệu tấn, Sơn La: 420.523 tấn, Cao Bằng: 133.677 tấn...
Trong đó phần lớn tài nguyên niken tồn tại ở dạng khoáng vật đi kèm trong quặng crôm như vùng mỏ crômit Cổ Định (Thanh Hóa), hiện chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Quặng niken ở khu vực Sơn La và Cao Bằng chủ yếu là loại hình quặng niken - đồng xâm tán.
Nghiên cứu chỉ rõ, định hướng phát triển công nghệ chế biến sâu niken phù hợp nhất hiện nay là sản xuất các chế phẩm muối niken và tiến tới hợp tác với các doanh nghiệp có công nghệ nguồn để sản xuất pin từ nguồn quặng niken trong nước.
Đạt mục tiêu đó sẽ vừa đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo của công nghiệp xe điện, vừa phát huy được hiệu quả nguồn tài nguyên quý của Việt Nam.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035, trong đó đã nêu rõ "hướng đi" đối với khoáng sản niken.
Theo đó, phấn đấu sản lượng khai tuyển đạt 118.000 tấn tinh quặng niken vào năm 2025. Giai đoạn đến năm 2025, đầu tư và đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sản phẩm niken với tổng sản lượng khoảng 8.000-11.000 tấn/năm.
Blackstone Minerals, một công ty thăm dò và khai thác mỏ của Australia đang phát triển 3 dự án có chu trình liên quan chặt chẽ tại phía bắc Việt Nam. Năm 2019, Công ty BlackStone mua lại 90% Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc, xã Bản Phúc, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, nằm cách Hà Nội 160 km.
Dự án thượng nguồn (khai thác) có trọng tâm là mỏ niken Bản Phúc ở tỉnh Sơn La. Các hoạt động hiện tại bao gồm khoan thăm dò và chuẩn bị mẫu để thử nghiệm.
Dự án hạ nguồn (tinh luyện) sẽ bao gồm việc chế biến sâu quặng niken từ dự án (khai thác) ở thượng nguồn, nằm xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Ông Scott Williamson, Tổng Giám đốc Blackstone Minerals cho biết, hiện dự án đang tích cực triển khai giai đoạn thử nghiệm để đưa nhà máy hoạt động vào năm 2025. Đặc biệt, dự án chú trọng xây dựng các "mỏ xanh", giảm thiểu chất CO2 ra ngoài khí quyển để tiến tới đạt được mục tiêu không phát thải CO2 trong tương lai.