Theo kế hoạch, Ninh Thuận sẽ xây dựng Trung tâm Logistics cấp khu vực (quy mô hạng II) tại Cảng biển tổng hợp Cà Ná, hình thành một cụm liên hoàn gồm cảng cạn, ga đường sắt, Khu công nghiệp Cà Ná, tổng kho xăng dầu. Mục đích xây dựng Trung tâm Logistics là để các cụm hỗ trợ lẫn nhau và phát huy tối đa công năng mỗi công trình.
Cảng biển tổng hợp Cà Ná chính thức hoạt động sẽ giúp hình thành chuỗi liên kết để cùng thúc đẩy kinh tế khu vực phía Nam, các khu công nghiệp. Đặc biệt, cảng biển giúp nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Ninh Thuận với các vùng kinh tế Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên.
Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tỉnh Ninh Thuận đề ra nhiệm vụ hoàn thành và đưa vào hoạt động Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 vào quý 2/2022. Cùng với đó, tỉnh đầu tư và đưa vào hoạt động Cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2 trước năm 2030. Đồng thời, tỉnh tiến hành đẩy nhanh thực hiện dự án đường giao thông nối cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai lập Quy hoạch phân khu xây dựng Trung tâm Logistics Cà Ná quy mô hạng II sau khi được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương xây dựng dự án.
Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 có tổng diện tích quy hoạch 85,52 ha bao gồm 2 bến cảng, 17 bến tàu, tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container, hàng rời trọng tải đến 100.000 DWT (DWT - trọng lượng toàn phần của tàu). Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 6.500 tỷ đồng.
Ninh Thuận có các vùng khí hậu đa dạng như biển, vùng đồng bằng, miền núi gắn với các tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Ninh Thuận có tiềm năng và lợi thế to lớn về biển. Do đó, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và được tỉnh quan tâm khuyến khích đầu tư.
Tận dụng lợi thế biển để phát triển kinh tế, Ninh Thuận đã có nhiều phát triển vượt bậc. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, sau 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế của Ninh Thuận đã có sự phát triển vượt bậc, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng gấp 69,6 lần năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm.
Trong những năm gần đây, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận giai đoạn 2017-2021 (%). Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2021, tăng trưởng GRDP đạt khoảng 10,7%/năm. Trong năm 2021, GRDP của Ninh Thuận tăng 9%, đứng thứ tư cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung.
Quy mô nền kinh tế Ninh Thuận năm 2021 gấp 1,15 lần so với năm 2020; sản xuất nông nghiệp tăng 5,98%. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 24,6%, đứng đầu cả nước; năng lượng tái tạo tăng trưởng cao, tăng 59,8%
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, nền kinh tế của Ninh Thuận phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 2021, quy mô nền kinh tế đến năm 2021 đạt 40.777 tỷ đồng, tăng 4,61 lần so với năm 2010, GRDP bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng, gấp 49,9 lần so với năm 1992.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, thu hút đầu tư vào tỉnh có sự phát triển đáng kể. Cụ thể, năm 1994 chỉ có 1 dự án FDI, thì nay đã thu hút được 35 dự án, với tổng vốn đăng ký 26.509 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh có 396 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 161.108 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo được Ninh Thuận đặc biệt quan tâm. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 49 dự án năng lượng tái tạo, quy mô công suất 3.055 MW, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Các lĩnh vực quan trọng được Ninh Thuận lựa chọn làm mũi nhọn đột phá điển hình là năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics; nông nghiệp công nghệ cao.