Là chuỗi nhà hàng quy mô lớn nhất nước sở hữu hơn 20 thương hiệu với 400 nhà hàng, Golden Gate đã chịu tác động rất lớn khi dịch bệnh bệnh Covid-19. Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, giá thuê mặt bằng chỉ chiếm khoảng 10-15% doanh thu của chuỗi 400 nhà hàng thuộc hệ thống Golden Gate Restaurant Group. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát chi phí thuê mặt bằng đã tăng lên mức 45% doanh thu. Ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập kiêm CEO Golden Gate Restaurant Group, trao đổi với chúng tôi về các giải pháp ứng phó dịch bệnh của tập đoàn.
Dưới ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 đối với ngành ẩm thực và đồ uống (F&B), Golden Gate phải đối mặt với những thách thức chủ yếu nào, thưa ông?
Vào thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bước vào giai đoạn phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những chỉ đạo nhanh chóng và cần thiết như tạm dừng các cuộc họp, các sự kiện tập trung trên 20 người; đóng cửa những cơ sở dịch vụ không thiết yếu... Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực F&B, Golden Gate tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng và chúng tôi đã cho ngừng hoạt động toàn bộ chuỗi nhà hàng.
Về mặt kinh doanh, khi hệ thống chuỗi cung ứng bị gián đoạn và đầu ra hạn chế như hiện nay thì mỗi một vấn đề khó khăn đều bị nhân lên nhiều lần với hệ thống chuỗi lớn. Golden Gate đã nhanh chóng đưa ra các điều chỉnh cho phù hợp với tình hình.
Con người là tài sản dài hạn cần phải được bảo vệ đầu tiên. Mặt khác, chi phí lương là khoản chi phí lớn khi hoạt động kinh doanh bị đóng băng. Chúng tôi đã đưa ra phương án hoạt động linh hoạt như cho nhân viên nghỉ luân phiên, làm việc tại nhà... để duy trì công việc, và đảm bảo an toàn cho nhân viên. Đồng thời, ban lãnh đạo Golden Gate cũng tìm kiếm nhiều cách thức cân đối khác nhau để ưu tiên các khoản chi trả lương cho người lao động, với mục tiêu làm sao để cả người lao động và doanh nghiệp cùng nhau vượt qua thời điểm thách thức này.
Chi phí mặt bằng của Golden Gate lên tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm
Đối với một tập đoàn kinh doanh ẩm thực theo chuỗi như Golden Gate, chi phí thuê mặt bằng là yếu tố có tầm quan trọng sống còn. Dưới góc độ chi phí thuê mặt bằng, có thể hình dung ra sao về sự tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của tập đoàn, thưa ông?
Mặt bằng đúng là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc hoạt động của một chuỗi nhà hàng lớn. Khi chưa có dịch Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng đều muốn thuê được các mặt bằng đẹp và vô hình chung, điều này đã khiến chi phí thuê mặt bằng bị đẩy lên cao hơn so với thực tế.
Để độc giả dễ hình dung, tôi xin nêu ra vài số liệu. Vào thời điểm trước khi có dịch bệnh thì giá thuê mặt bằng chỉ chiếm khoảng 10-15% doanh thu. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát thì chi phí thuê mặt bằng ngay lập tức tăng lên mức 45% doanh thu, trong khi số lượng khách hàng ngày càng giảm dần và cho đến thời điểm tôi và anh nói chuyện với nhau này thì khách hàng đến ăn tại chuỗi Golden Gate đã trở về số 0 sau khi có lệnh cách ly toàn thành phố trong 15 ngày của Thủ tướng Chính phủ để khống chế dịch bệnh.
Vậy ban lãnh đạo tập đoàn đã có hành động nào nhằm giảm bớt gánh nặng về giá thuê, chẳng hạn chủ động đàm phán với các chủ nhà?
Để thích ứng với tình hình mới, Golden Gate đã nhanh chóng tiến hành làm việc với các chủ mặt bằng cho thuê cũng như các trung tâm thương mại có các nhà hàng thuộc tập đoàn để thỏa thuận về những vấn đề bất khả kháng này. Cụ thể, chúng tôi có đề xuất với họ về vấn đề giảm, miễn giá thuê trong thời gian chống dịch. Mặt khác, với những mặt bằng kinh doanh chưa mang lại hiệu quả tốt chúng tôi cũng nghiêm túc xem xét để dừng kinh doanh và trả lại mặt bằng.
Khi kinh tế phục hồi, mọi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường chúng tôi cũng muốn đề nghị các chủ nhà chuyển sang hình thức thu phí tiền thuê theo phần trăm doanh thu. Đây là một giải pháp rất hợp lý cho cả hai bên đi thuê và cho thuê, đã được áp dụng thành công ở các nước vượt qua dịch bệnh và đang trong giai đoạn phục hồi.
Khi buộc phải đóng cửa các nhà hàng để thực hiện chủ trương "giãn cách xã hội" nhằm phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp có giải pháp nào để thúc đẩy mảng giao hàng (food delivery)?
Đúng như anh nói, chúng tôi đã ngay lập tức tập trung vào giải pháp "food delivery" nhằm thích ứng với tình hình hiện nay. Golden Gate đã triển khai các dịch vụ G- Delivery giao hàng thẳng từ nhà hàng với các "Combo nướng, lẩu" từ những thương hiệu nổi tiếng của Golden Gate như Manwah, GoGi, Hutong, Kichi-Kichi, Ashima… giúp khách hàng thưởng thức đồ ăn ngon đạt tiêu chuẩn nhà hàng ngay tại gia đình mà không phải đi ra khỏi nhà. Món nướng và lẩu có thể gọi là món ăn an toàn nhất trong mùa dịch vì khách hàng sẽ tự nấu món ăn của mình tại nhà, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chủ trương cách ly thành phố trong 15 ngày của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.
Tôi cũng xin giải thích thêm là các thao tác trên trang web chọn món dễ dàng như thao tác trên iPad tại nhà hàng. Chúng tôi có một trung tâm xử lý đảm bảo thời gian giao hàng nhanh và hỗ trợ khách hàng trong toàn bộ quá trình đặt món. Dịch vụ G-Delivery giúp khách hàng có thể mượn bếp nướng hay các nồi lẩu miễn phí thuận tiện dù đặt món ăn tại bất cứ đâu.
Chuyển đổi online, cách nào?
Trực tuyến đang trở thành kênh mua sắm, tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng hơn đối với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Nếu như trước đây một nhà hàng phục vụ thực khách bằng cách thức truyền thống tại chỗ, thì tình hình đặc biệt hiện nay không cho phép điều đó diễn ra nữa. Vậy họ phải ứng phó thế nào để duy trì doanh số trong khi không được hoạt động?
Theo ông Tuấn Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp kiêm Giám đốc BizFly – một công ty chuyên về giải pháp chuyển đổi online – thì chuyển đổi số, dịch vụ marketing và quảng cáo online đang dần trở thành xu hướng quan trọng đối với lĩnh vực F&B. Với kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng, đóng gói và đẩy mạnh các giải pháp về chuyển đổi online cho các doanh nghiệp F&B, BizFly cung cấp các dịch vụ thiết yếu trên nền tảng trực tuyến như chatbot, email automation, email marketing, CRM, ticket, loyalty solution (tích và đổi điểm, phát mã coupon/voucher…). Nhóm giải pháp của BizFly có thể giúp doanh nghiệp tạo ra các "điểm chạm" nhằm gia tăng mức tương tác với khách hàng bằng các công cụ automation.
Tôi tình cờ biết thông tin Golden Gate thành lập liên minh F&B Việt Nam chống lại dịch Covid-19 trên fanpage của tập đoàn. Ông có thể nói cụ thể hơn về sáng kiến này?
Liên minh F&B Việt Nam thời Covid-19 được thành lập bởi Golden Gate Restaurant Group nhằm mục đích tập hợp, chi sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các thành viên cùng chung tay hành động đưa thị trường F&B vượt qua khó khăn từ ảnh hưởng của dịch bệnh. Chúng tôi mời các cơ quan báo chí truyền thông, toàn bộ 15.000 nhân viên trong hệ thống tập đoàn cũng như các nhà hàng trên cả nước tham gia. Thành viên của liên minh gồm: đại diện các nhà hàng (chủ nhà hàng, Marketers…); Food Blogger, Food Photographer, Food Stylish, Food Reviewer; Nhà cung cấp thực phẩm; Cộng đồng đầu bếp; Cộng đồng Agency truyền thông quảng cáo; Các đối tác giao hàng và thanh toán trực tuyến như MoMo, Grab Food, Now, ZaloPay, VN Pay, Foody.
F&B là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế. Ở Golden Gate, đằng sau 15.000 nhân viên nhà hàng còn là cả một hệ thống các nhà cung ứng với hàng ngàn người lao động sản xuất. Tương tự như vậy nếu nhìn rộng ra xã hội. Đưa ngành F&B hoạt động trở lại không những sẽ đem lại dịch vụ phục vụ cho cả xã hội, mà còn giải quyết được việc làm của hàng triệu con người.
Ông có kiến nghị gì với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm trợ giúp ngành F&B vượt qua giai đoạn gian khó này?
Chúng tôi đề xuất sớm có công văn hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước để các doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn thuộc các gói vay giải cứu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Xin cảm ơn ông!
Một số giải pháp đảm bảo dòng tiền của Golden Gate
Bà Trần Hoàng Trung, phụ trách tài chính Tập đoàn Golden Gate, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp các chủ doanh nghiệp vượt qua thử thách của đại dịch Covid-19:
- Đóng băng phần lớn các khoản nợ. Yêu cầu ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ, miễn giảm lãi suất.
- Tiếp cận gói hỗ trợ trả lương 80.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội – "đỡ khó" hơn so với việc tiếp cận các gói hỗ trợ của các ngân hàng thương mại.
- Duy trì "kỷ luật thép" với số dư tiền an toàn tối thiểu, ví dụ đảo bảo chi trả chi phí cố định ít nhất 3 tháng sau khi phục hồi.
- Tinh gọn cơ cấu nhân sự. Nhân sự có thể chia làm 3 nhóm bao gồm nhóm không thể cắt giảm, có thể cắt giảm và cắt giảm ngay lập tức. Hai nhóm đầu có thể trả lương tối thiểu vùng trong thời gian đóng cửa kinh doanh. Nhóm cuối cùng là nhân sự có thể tuyển dụng nhanh chóng sau khi qua khỏi khủng hoảng.
- Cân nhắc trả lương một phần bằng sản phẩm của doanh nghiệp, nếu đó là sản phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày.