Thấp thỏm vụ trái cây tết
Thời điểm này nông dân trồng thanh long tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đang tiến hành xử lý ra hoa trái vụ. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, mưa nhiều trong giai đoạn xử lý đã khiến cho tỷ lệ ra hoa, đậu quả chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với các vụ năm trước.
Ông Hồ Anh Kiệt kiểm tra vườn bưởi chuẩn bị cho vụ tết. Ảnh: Trần Đáng
Theo nhận định của nhiều nông dân trồng thanh long trái vụ, giá thanh long sẽ tăng cao vào thời điểm tết và Noel. Do đó, hiện nay bà con đang tích cực chăm sóc và trông chờ giá cả sẽ duy trì ổn định ở mức cao trong thời gian tới để tăng thêm thu nhập. |
Theo các hộ trồng thanh long trên địa bàn xã Xuân Hưng, để có nguồn thanh long cung ứng ra thị trường, cứ vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 họ bắt đầu các khâu chong đèn, bón phân xử lý để thanh long ra hoa. Tuy nhiên, năm nay bước vào thời điểm xử lý ra hoa, thời tiết mưa nhiều nên gây khó khăn trong việc tạo mầm hoa dẫn đến tỷ lệ ra hoa trên cây thanh long rất ít.
Bên cạnh đó một số cây ra hoa gặp mưa dẫn đến hiện tượng thối bông. Vì vậy, nông dân phải kéo dài thời gian chong đèn để xử lý. Vì vậy, chi phí đầu tư tiền điện, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng cao hơn với cùng vụ năm rồi.
Ông Nguyễn Quốc Anh (xã Xuân Hưng) – nông dân đang có hơn 1ha thanh long trái vụ cho biết, thời điểm ông xử lý thanh long trái vụ thì gặp mưa kéo dài nên ảnh hưởng đến quá trình chong đèn. “Hiệu quả thanh long cho trái chắc chắn sẽ không đạt” - ông thổ lộ.
Theo ông Phạm Thành Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hưng, hiện xã này có khoảng 300ha thanh long, trong đó trên 200ha thanh long ruột đỏ. Khá nhiều diện tích thanh long đang được bà con nông dân xử lý trái vụ cho thị trường lễ, tết, nhưng do thời tiết cực đoan nên tình trạng thất thu là khá lớn.
Trong khi đó, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Hồ Văn Kiệt - Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (huyện Tân Thành) cho hay, năm nay với 50ha bưởi đang cho trái, dự kiến chỉ thu hoạch được khoảng chục tấn vào dịp cuối năm. “Mưa nhiều, độ ẩm không khí cao đã làm xuất hiện nhiều sâu bệnh, nấm. Nguy hiểm nhất là bọ trĩ, bọ xít muỗi, nhện đỏ gây hại cho hoa và trái bưởi” - ông Kiệt chia sẻ.
Cũng theo ông Kiệt, năm ngoái HTX cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn bưởi, trong đó chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Để “vớt vát”, nhiều nông dân dự tính chuyển thời điểm thu hoạch bưởi sang dịp lễ 30.4 hay 1.5.
Tuy nhiên, anh Đỗ Thiên Tiến (ấp 3, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) cho rằng, chuyển vụ sẽ gây ra nhiều thiệt hại, không những chi phí tăng cao do bưởi khó rụng lá nên cần thuê nhân công tuốt lá, mà bưởi còn dễ bị sâu bệnh.
Không dám nhận đơn hàng xuất khẩu
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi mưa dầm, hiện nay, tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), khá nhiều diện tích của gần 140ha thanh long đang bị dịch nấm. Điều này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng thanh long cho mùa lễ tết, nhất là thanh long xuất khẩu cho dịp này.
Bệnh nấm tắc kè đang gây hại hàng loạt vườn thanh long sạch xuất khẩu ở Đồng Nai. Ảnh: T.Đ
Ông Đoàn Trung Ngọc (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) – nông dân đang có 8ha thanh long sạch xuất khẩu đi châu Âu cho biết, thời điểm này trang trại đang chuẩn bị thanh long cho chính vụ xuất khẩu dịp Tết Nguyên đán 2018. Tuy nhiên, hiện 8ha vườn thanh long này đang “dính” phải dịch nấm nên các trụ thanh long chết rất nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng trái.
“Một số khách hàng nước ngoài đang đặt hàng, nhưng tôi không dám nhận vì biết sẽ không đủ hàng đúng tiêu chuẩn để cung cấp”- ông Ngọc cho biết.
Hiện ông Ngọc cho nhân công chong đèn và hy vọng những “tay” thanh long không nhiễm bệnh sẽ cho trái đúng chất lượng vào dịp tết. “Những năm qua, vào mỗi dịp tết, tôi xuất được khoảng 50 tấn thanh long sang thị trường châu Âu. Nhưng dịp tết năm nay, do vườn bị bệnh dịch hoành hành, số lượng thanh long xuất hàng sẽ giảm khoảng 50%” - ông Ngọc tính.