Báo cáo của đơn vị này nêu rõ, trước làn sóng dịch Covid lần thứ 4 bùng phát trong quý 2/2021, các biện pháp giãn cách khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm, 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm 11% theo quý ở cả ba phân khúc, còn 13.400 phòng với 103 khách sạn hoạt động. Tuy nhiên, nguồn cung tăng 7% theo năm, với 28 dự án hoạt động trở lại, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí.
Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, quan chức nhà nước và khách trong nước tiếp tục tăng. Trong quý này, có 8 khách sạn cách ly mới đi vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn làm cách ly lên 25 dự án, cung cấp hơn 3.000 phòng. Đa số các khách sạn cách ly tập trung ở Quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình.
Báo cáo của Savills Việt Nam chỉ ra, công suất khách sạn Tp.HCM trong quý 2 đạt 18%, tăng nhẹ 1% theo quý, do nguồn cung giảm. So với thời điểm quý 2/2020 khi dịch Covid lần đầu bùng phát, công suất quý này cao hơn 5 điểm phần trăm, với tổng số phòng được thuê tăng 53% theo năm. Công suất tăng xuất phát từ nhu cầu lưu trú dài hạn và tỷ lệ lắp đầy của khách sạn cách ly đạt trên 60%.
Từ quý 2/2020, giá phòng tăng trung bình 3%/ quý, đạt 69USD/phòng/đêm. Theo Sở Du lịch Tp.HCM, doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 19% theo năm, thành phố có hơn 7 triệu khách nội địa.
Chia sẻ về triển vọng, Savills Việt Nam cho rằng, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt. Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021.
Theo đó, triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Đến cuối năm 2023, Tp.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental.