Chưa 1 đầy tháng tính từ thời điểm ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus Corona (nCoV), dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài lục địa Trung Quốc.
Với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Viêm phổi cấp trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng khiến cho các mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết xảy ra tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu chờ thông quan. Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.
Cấp mã xưởng thu mua di động
Bà Nguyễn Thị Thành Thực
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” do Báo điện tử Dân Việt tổ chức , bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Bagico, cho hay không phải đến lúc có dịch bệnh chúng ta mới gặp khó khăn về xuất khẩu, nếu không xảy ra dịch corona thì trong 1 hay 2 tháng tới có thể chúng ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn này.
Theo đó, vấn đề căn cơ của xuất khẩu nông sản Việt Nam nằm tại quy định về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản bao gồm mã vùng, mã xưởng hay dán tem truy xuất nguồn gốc theo những yêu cầu của đối tác Trung Quốc. So với 1 năm trước thì đến nay việc thực hiện các quy định này vẫn dẫm chân tại chỗ, mặc dù Trung Quốc đã đặt thông báo cho chúng ta cách đây 2 năm. Sau rất nhiều hội nghị nhưng những quy định về thế nào là mã vùng, mã xưởng hay dán tem truy xuất nguồn gốc gồm những yếu tố nào vẫn chưa được chỉ rõ và hướng dẫn cụ thể.
Song hành với những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc thì bản thân luật trồng trọt của Việt Nam có điều 64 về quản lý vấn đề truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cũng như UBND các cấp chưa có.
Từ thực tế trên, vị Chủ tịch Công ty CP Bagico cho rằng, để không còn “điểm nghẽn” tại cửa khẩu như hiện nay thì vấn đề căn cơ vẫn nằm ở chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến nhà xưởng cơ động.
Theo quan sát của bà Thực, những sản phẩm mang thương hiệu Việt xuất hiện rất ít tại thị trường tiêu thu nông sản lớn nhất là Trung Quốc. Một phần là vì đầu tư tài chính xây dựng nhà xưởng, kho thu mua đóng gói các sản phẩm trái cây của Việt vẫn chủ yếu là tiền của người Trung Quốc đặc biệt là đối với thu mua thanh long. Vì vậy, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam bán tại thị trường Trung Quốc nhưng lại đóng bao bì của người khác và quảng bá thương hiệu cho người khác.
Cũng phải nói thêm rằng, hoa quả là sản phẩm mang tính thời vụ rất là cao. Ví dụ như vải thiều Lục Ngạn Nếu Như Lục Ngạn, kim ngạch xuất khẩu một năm rất cao, doanh thu lên tới 4 đến 5 nghìn tỷ đồng, nhưng vì sao không có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng xưởng để thu mua, sơ chế chế biến?
Nguyên nhân, vì đầu tư xây dựng nhà xưởng mà một năm chỉ làm 1 đến 2 tháng mùa vụ sẽ không hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp khi thực hiện thu mua nông sản phải đặt hiệu quả nên hàng đầu, không thể đầu tư tiền mua đất chỉ để xây xưởng sử dụng 1 2 tháng/năm.
“Hay như trường hợp của dưa hấu Việt Nam, quy định là thu mua rồi đưa vào xưởng để sơ chế làm sạch đóng gói mới đủ tiêu chuẩn mang đi. Thế nhưng, thử hỏi có bao nhiêu quả dưa hấu của Việt Nam thực hiện được đúng quy trình này? Không cần dịch bệnh chỉ cần xét đến yếu đó thôi nông sản của chúng ta đã không đủ tiêu chuẩn”, bà Thực dẫn chứng thêm.
Tất cả những yếu tố này khiến cho các nông sản Việt Nam bị phụ thuộc vào người “đến mua hàng mang đi” và từ đó có thể tiên lượng được sự khó khăn đối với thị trường nông sản Việt.
Chủ tịch Công ty CP Bagico cho rằng, nếu có những tiêu chuẩn cấp ATVSTP cho các xưởng lưu động sẽ là một hỗ trợ rất lớn cho sản xuất hàng hóa nông sản và sẽ không còn phải “giải cứu” nông sản như thực tế hiện nay. Với xưởng di động, doanh nghiệp có thể làm 2 tháng ở Lục Ngạn, hết mùa vải lại di dời sang các vùng có nhãn để làm tiếp hoặc các vùng khác nữa. Tuy nhiên, đi kèm với đó phải là sự hỗ trợ từ các địa phương về mặt bằng vì không thì doanh nghiệp không thể đầu tư tiền mua đất chỉ để xây xưởng sử dụng 1 2 tháng/năm.
Xét riêng trong bối cảnh hiện nay, theo bà Thực, khi thanh long ùn ứ tại cửa khẩu việc thu mua thanh long đối với các doanh nghiệp chế biến lẽ ra sẽ rất thuận lợi và doanh nghiệp hoàn toàn có thể mua được thanh long loại 1 với giá 5 đến 7 nghìn. Thay vì trước kia chỉ mua được loại 2,3 hoặc khi hàng tươi không tiêu thụ hết.
Thế nhưng, dù doanh nghiệp có mong muốn mua theo cung – cầu thị trường đi chăng nữa cũng không làm được bởi năng lực về nhà kho, nhà xưởng thu mua, chế biến đều có giới hạn và không thể tăng lượng thu mua lên gấp 5 10 lần so với thông thường. Điều đó là minh chứng, việc đầu tư vào nhà xưởng dự trữ chế biến của Việt Nam vào nông sản cực kỳ thiếu thốn.
Từ thực tế trên, bà Thực bày tỏ mong muốn Nhà nước nghiên cứu chính sách về việc chứng nhận an toàn thực phẩm đối với xưởng cơ động. Đây được xem là một giải pháp căn cơ trong giai đoạn này. “Chúng ta có thể có những điều kiện công nhận về bệnh viện dã chiến thì cũng nên xem xét các điều kiện cấp tiêu chuẩn mã xưởng di động cho doanh nghiệp thì những bài toán về tiêu thụ nông sản sẽ đơn giản hơn rất nhiều”, vị này nhấn mạnh thêm.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề thu mua thuận lợi, mà hơn nữa nhà xưởng di động có thể đặt ngay tại địa bàn và người nông dân chỉ cần chở hàng đến nơi gần nhất thay vì việc phải đi hàng chục km mới đến xưởng để đóng gói như hiện nay. Chi phí, thời gian lưu thông, tỷ lệ hỏng hỏng cũng giảm đáng kể. Từ đó giúp tiết giảm chi phí, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông sản.
Không mong chờ gói hỗ trợ
Liên quan đến gói hỗ trợ cho nông nghiệp, dưới góc độ doanh nghiệp bà Thực cho biết, doanh nghiệp luôn mong những gói hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế với lĩnh vực nông nghiệp, quan trọng là sử dụng đồng tiền hỗ trợ đó vào lĩnh vực nào. Đôi khi các nhà chính sách phải gần và cập nhật thực tế hơn để việc đề xuất hỗ trợ được đúng và trúng. Với nông nghiệp năm này cũng có gói hỗ trợ nhưng hiệu quả đến đâu mới là vấn đề.
"Tôi mong muốn rằng đối với nông nghiệp, hỗ trợ ngắn hạn hay đột xuất không giải quyết được vấn đề căn bản mà phải giải quyết vấn đề căn cơ để chúng ta cập nhật được với thế giới cả trong thị trường, phục vụ thị trường, định vị thị trường và lao động.
Việc chúng ta đưa vào các gói hỗ trợ thế nào thì chúng ta phải tính toán, phải suy nghĩ. Có thể chính sách đưa ra như vậy nhưng các doanh nghiệp nhìn thấy sự bất công và không hiệu quả. Nên chúng tôi không mong chờ ở chính sách này nhiều lắm", vị này nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn khác, TS. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa nhận, lợi thế trong hơn 30 năm đổi mới của Việt Nam chính là ngành nông nghiệp, dịch vụ.
Vì vậy, tất cả mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng, hậu cần, dịch vụ, công nghiệp, tổ chức thể chế làm sao phải hỗ trợ cho những ngành có lợi thế. Hiện tất cả nền tảng kinh tế của chúng ta hỗ trợ rất tốt cho công nghiệp và kinh tế đô thị, nhưng dịch vụ, nông nghiệp và du lịch chưa được tập trung nguồn lực hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi thời gian gấp gáp như thế này, tình hình ngân sách hạn hẹp hiện nay, và trong lúc toàn dân phải đối phó với những khía cạnh khác nhau của bệnh dịch do virus corona gây ra. Nếu trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi nghĩ rằng sẽ không thể có nhiều. Người sản xuất và người kinh doanh có thể vơi bớt khó khăn thông qua hỗ trợ về tình cảm, tạm thời có những lối thoát nhất định. Song chúng ta vẫn phải tính tới câu chuyện lâu dài.
Về hỗ trợ ngắn hạn với người sản xuất, Nhà nước có thể hỗ trợ vốn vay, tạm thời khoanh nợ, giảm thuế… Còn với người kinh doanh, Nhà nước có thể mở ra thị trường thông hình thức bán hàng tới các siêu thị, thay đổi hình thức chuyển hàng qua biên giới từ đường bộ sang đường thuỷ…
Nhưng về dài hạn, chúng ta phải có cách làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển từ sản xuất manh mún theo kiểu thương lái hiện nay sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn… Tất cả đều là những vấn đề đã được nói đi nói lại rất nhiều mà chưa làm được. Đó chính là vấn đề về thương mại.