Chăn nuôi, trồng trọt đều... xơ xác
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn chăn nuôi Hùng Nhơn, cho biết: “Suốt hơn 10 ngày qua, tôi không rời các trại gà để đưa ra các biện pháp, thực hiện hàng loạt quy trình mới, thích ứng với tình hình thực tế rất xấu hiện nay, do dịch Covid-19 gây ra”.
Hùng Nhơn là DN hàng đầu của tỉnh Bình Phước về chăn nuôi gà sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang Nhật Bản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thịt gà không thể xuất khẩu, khiến DN thiệt hại rất lớn.
Ông Hùng cho biết, ngoài giảm số lượng gà nuôi để cầm cự, DN tranh thủ thời gian công nhân đang ít việc để đào tạo lại tay nghề; đồng thời sửa sang lại chuồng trại, cơ sở vật chất, trang thiết bị… để khi hết dịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Chăn nuôi gà lạnh xuất khẩu sang Nhật tại trang trại của Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: C.H
Hết năm 2019, Bình Phước có hơn 173.300ha điều (cho thu hoạch là 135.000ha). Riêng 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu điều đạt 9.500 tấn, kim ngạch 61,7 triệu USD, giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2019. |
Số liệu từ Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện đạt gần 6 triệu con. Tình hình tiêu thụ gia cầm chậm hơn, giá giảm. Riêng tổng đàn lợn gần 900.000 con, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước.
Hiện giá lợn vẫn khá cao, ở mức 75.000 đồng/kg hơi. Nhưng việc tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi còn chậm, chưa cân bằng so với số lượng trước dịch. Nhìn chung, mức tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi ở Bình Phước vẫn giảm.
Với 2 sản phẩm đặc thù khác của Bình Phước là điều và hồ tiêu, cũng lâm cảnh khó khăn. Bình Phước là thủ phủ cây điều của cả nước, vụ điều năm nay của tỉnh dự kiến được mùa hơn năm trước.
Nhưng dịch Covid - 19 xảy ra, tiêu thụ điều khó khăn khiến giá thu mua điều nguyên liệu ở mức thấp. Hơn 1 tháng qua, rất nhiều cơ sở chế biến xuất khẩu hạt điều đã giảm mạnh đơn đặt hàng. Nhiều cơ sở chưa dám thu mua với số lượng lớn. Một số nước tiêu thụ hạt điều đang lo đối phó với dịch Covid - 19, khiến cho ngành chế biến và nhà nông càng thêm khó khăn.
Riêng mặt hàng hồ tiêu, theo ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước: “Hồ tiêu vẫn đang tiếp tục trên đà giảm giá sâu, nguyên nhân chính là do cung vượt cầu. Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam chịu tác động, do có thời gian phía Trung Quốc tạm đóng các cửa khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu hồ tiêu sang EU gặp khó do phải đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khiến giá tiêu không được cải thiện”.
Nỗ lực vượt khó
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc cho biết, mặc dù chưa phát hiện gia cầm bị dịch cúm H5N1, H5N6 và các dịch bệnh khác trên cây trồng, vật nuôi, nhưng Bình Phước vẫn triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ xa, với sự quyết liệt, đồng bộ.
Cụ thể, các UBND huyện, thị xã và thành phố, tăng cường tuyên truyền cho nông dân nâng cao cảnh giác phòng, chống dịch bệnh. Các hội, ngành hàng, DN và hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, vận động DN tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phục vụ chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Trương Anh Dũng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Phước, cho biết: “Chúng tôi chia sẻ với nông dân và DN trước những khó khăn do dịch Covid-19. Vì vậy, chủ trương quan tâm ưu tiên cho vay các ngành nông sản chủ lực của tỉnh Bình Phước được đặt lên hàng đầu”.
Cụ thể, doanh số cho vay hồ tiêu trong năm 2019 là 936 tỷ đồng, trong tháng 1/2020 đạt 80,9 tỷ đồng. Do đó, dư nợ cho vay cây hồ tiêu trong tháng 1/2020 đã tăng lên trên 62 tỷ đồng. Tương tự, doanh số cho vay ngành điều năm 2019 là hơn 261,1 tỷ đồng; đến cuối tháng 1/2020 là 45 tỷ đồng, dư nợ 123 tỷ đồng, tăng 89 tỷ đồng so với cuối năm 2019, tỷ lệ tăng 7,8%.