Chị Thuỳ Liên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã gần 1 tuần nay không ra khỏi nhà, mặc dù gia đình chị Liên có 2 con nhỏ luôn cần thực phẩm tươi hàng ngày. Thay vì trước đây phải mang theo con ra ngoài để đi mua sắm, thì nay chị chỉ cần ở nhà, mở ứng dụng gọi xe BE và lựa chọn dịch vụ "BE đi chợ". Đây là ứng dụng mà tài xế công nghệ sẽ giúp khách hàng mua sắm những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, với giá cước 5.500đ/km và 50.000đ cho mỗi cuốc xe đi chợ giùm.
Ngoài cước phí hiển thị trên ứng dụng, chị Liên phải thanh toán cho tài xế tổng giá trị hàng hóa mà tài xế đã mua hộ. Số tiền thu hộ bằng với giá trị trên hóa đơn nhưng tối đa không quá 500.000 đồng, mới đây đã điều chỉnh lên 1 triệu đồng. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa và giá cả sản phẩm, chị Liên thường đặt đơn hàng mua sắm ở các địa điểm có thể in hóa đơn bán lẻ (như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, bách hóa, nhà thuốc lớn).
Anh Nguyễn Ngọc Phúc (tài xế công nghệ) cho biết: "Dịch vụ "BE đi chợ" vẫn còn mới nên lượng khách không quá nhiều, nhưng tôi vẫn nhận được khoảng 2-3 đơn mỗi ngày. Mỗi đơn hàng tôi sẽ được nhận thù lao 50.000 và tiền cước xe sau khi đã khấu trừ cho ứng dụng. Đa phần khách lựa chọn các cửa hàng, siêu thị trong bán kính dưới 3km nên chi phí bỏ ra cho mỗi cuốc xe không quá cao, chưa kể còn có mã khuyến mại...".
Tài xế công nghệ "đi chợ" thay khách hàng trong mùa dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 tác động đến thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân, nhanh nhạy nắm bắt, các hãng xe công nghệ cũng cạnh tranh sát nút trong việc triển khai các ứng dụng "đi chợ". Cụ thể, sau BE, Grab Việt Nam cũng vừa triển khai thử nghiệm tính năng GrabMart tại TP.HCM, giúp tăng an toàn cho người dùng Grab trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Với dịch vụ GrabMart, người dùng lên ứng dụng để tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết của Grab là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị.
Đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các thương nhân liên kết với GrabMart. Đối tác tài xế nhận đơn hàng GrabMart chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng, lược bỏ các quy trình ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đơn hàng.
"GrabMart được triển khai thử nghiệm nhằm hưởng ứng khuyến nghị tăng cường mua sắm trực tuyến của Chính phủ nói chung và UBND TP.HCM nói riêng, mang đến thêm sự lựa chọn an toàn cho người dân trong mùa dịch Covid-19. Với GrabMart, chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nâng cao trải nghiệm của người dùng Grab, đồng thời nâng cao cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các thương nhân liên kết GrabMart", bà Nguyễn Thái Hải Vân, CEO Grab Việt Nam cho biết.
Tính năng GrabMart vừa được triển khai thử nghiệm tại Việt Nam.
Các dịch vụ đi chợ hộ qua ứng dụng đang giải quyết được nỗi lo lắng hạn chế đến những nơi công cộng, điểm mua bán tiếp xúc đông người như chợ truyền thống, siêu thị, tranh lây nhiễm dịch. Tuy vậy, do đang chạy thử nghiệm, theo đánh giá của người tiêu dùng, việc sử dụng ứng dụng "đi chợ hộ" vẫn còn những hạn chế.
"Tôi nghĩ các hãng xe công nghệ đưa ra dịch vụ đi chợ vào thời điểm này rất kịp thời, phù hợp với nhu cầu mua sắm từ xa của người dân. Tuy nhiên, các dịch vụ này vẫn đang giới hạn giá trị đơn hàng và số mặt hàng, trong khi đó người dùng trong mùa dịch có xu hướng mua hàng số lượng lớn để trữ và hạn chế đi mua sắm nhiều lần", anh Phan Quang Minh Trí (Q.2, TP.HCM) nêu ý kiến.
Chị Nguyễn Thanh Ni (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, so với việc đặt hàng qua điện thoại mà các siêu thị đang có thì lợi thế của ứng dụng công nghệ là tốc độ, hàng hoá đến tay nhanh hơn. Hơn nữa, đặt hàng qua ứng dụng thì mình mua giá trị hoá đơn thấp cũng không sao, nếu đặt hàng qua điện thoại của siêu thị thì thường có quy định mức hoá đơn tối thiểu và khoảng cách mới được giao hàng.
"Tất nhiên, việc sử dụng dịch vụ đi chợ qua ứng dụng công nghệ sẽ tốn thêm từ 50.000 - 80.000 cho mỗi lần mua sắm, đây là một khoản khá tốn kém nếu sử dụng trong thời gian dài nên tôi sẽ chỉ tạm sử dụng cho qua mùa dịch", chị Ni nói.