“Nốt trầm”, “nốt lặng” cần thiết của bản giao hưởng
Như tin đã đưa, báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại buổi làm việc ngày 4/3, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho hay, sơ bộ thất thu của ngành du lịch TP do dịch Covid-19 tính đến thời điểm hiện nay khoảng 700 – 800 triệu USD, tức khoảng 20.000 tỉ đồng. Và con số thất thu này vẫn chưa dừng lại ở đó.
Nhìn ở góc độ tích cực, dịch Covid-19 là dịp để ngành du lịch Đà Nẵng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động, sẵn sàng "cất cánh" trong giai đoạn mới (Ảnh: HC)
Trao đổi thêm với PV ngày 6/3, ông Cao Trí Dũng cho biết, hiện hầu như hàng ngày Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận được thông tin có doanh nghiệp du lịch đóng cửa, giảm lao động và nhiều sự thúc ép khác. Ghi nhận sơ bộ đã có khoảng 10 – 20% khách sạn trên địa bàn, chủ yếu là khách sạn 3 sao trở xuống, phải tạm thời đóng cửa.
Đặc biệt theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đến thời điểm này toàn ngành có hơn 23.000/35.000 lao động của 800 DN du lịch tạm thời mất việc, trong đó hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, điểm đến).
Tuy nhiên Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh đồng quan điểm với PV rằng, thay vì chỉ nhìn theo chiều hướng tiêu cực về sự khủng hoảng thì ở góc độ tích cực hơn có thể thấy giai đoạn thấp điểm hiện nay chính là “nốt trầm”, “nốt lặng” hết sức cần thiết để sẵn sàng làm bùng lên những cung bậc cảm xúc mới mẻ, mãnh liệt của bản giao hưởng du lịch Đà Nẵng. Vấn đề là thái độ tiếp cận với thời điểm khủng hoảng hiện nay như thế nào?
Kích cầu để khách hàng trở lại trải nghiệm những giá trị gia tăng mới
Trong cuộc trao đổi với PV ngày 6/3, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng tiếp tục nhấn mạnh, dự tính nếu trong 21 ngày sau mốc 25/2 (thời điểm bùng phát tâm dịch Covid-19 ở Daegu mà Hàn Quốc vốn là thị trường khách quốc tế hàng đầu của khu vực này) mà Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế không có ca nào dương tính thì sẽ công bố “Điểm đến an toàn” và chương trình kích cầu du lịch 3 địa phương , trước mắt tập trung vào thị trường khách nội địa.
Theo kỳ vọng, việc công bố sẽ diễn ra giữa tháng 3/2020, khoảng ngày 17 hoặc 18/3. Ông Cao Trí Dũng cho hay, 3 địa phương đang chuẩn bị rất quyết liệt cho sự kiện này, nằm trong chương trình kích cầu du lịch quốc gia sau dịch Covid-19 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trương, và xem đây là cơ hội đặc biệt để ngành du lịch từng địa phương và khu vực có thể thoát ra tình trạng hết sức khó khăn hiện nay.
Nói thêm về hướng kích cầu, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng và là Phó TGĐ Furama Resort 5 sao cho rằng khả thi nhất thời điểm này chưa phải là khai thác lượng khách mới mà trước hết cần tập trung vào khách hàng từng đến, từng biết Đà Nẵng để mời họ quay lại trải nghiệm những giá trị gia tăng mới mà ngành du lịch TP đã tạo dựng được trong thời gian “tạm nghỉ” do dịch Covid-19.
“Vì vậy các hội viên Hội Khách sạn Đà Nẵng đang bàn với nhau đưa ra những gói kích cầu ưu tiên cho khách hàng thân thiết hoặc đã từng ở tại khách sạn mình rồi. Đồng thời yêu cầu đầu tiên đối với các khách sạn cũng các doanh nghiệp (DN) du lịch là phải tiết kiệm hết sức, bằng tất cả mọi cách có thể giảm bớt chi phí để tự cứu chính mình, tiếp tục duy trì hoạt động trong thời điểm lượng khách giảm sút nghiêm trọng như hiện nay!” – ông Nguyễn Đức Quỳnh nói.
Đào tạo lại lao động để sẵn sàng “cất cánh” thời hậu Covid-19
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, một trong các biện pháp quan trọng để các khách sạn, DN du lịch giảm bớt chi phí nhằm “tự cứu chính mình” trong tình hình khó khăn hiện nay là vấn đề nhân sự: “Có thể cho nghỉ không lương, hoặc làm một ngày, nghỉ một ngày. Đặc biệt chúng tôi đã có những thời kỳ rất bận rộn nên “nợ” thời gian nghỉ bù, nghỉ phép của cán bộ, nhân viên thì nay là dịp tốt để “trả nợ” này cho họ!”.
Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Quỳnh nhấn mạnh, khoảng thời gian thấp điểm do dịch Covid-19 lại cũng chính cơ hội tốt cho ngành du lịch Đà Nẵng cũng như từng DN kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại nhân sự, đặc biệt là đào tạo nhân sự quản lý cấp cao của ngành khách sạn trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.
“Khách sạn ở Đà Nẵng phát triển nóng hàng năm theo cấp số nhân đã và đang kéo theo tình trạng có rất nhiều anh chị quản lý KS không có kinh nghiệm. Vì vậy, Hội KS phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ tăng cường khai thác khoảng thời gian thấp điểm hiện nay tập trung đào tạo đội ngũ nhân sự quản lý khách sạn.
Qua đó có thể góp phần tạo cho du lịch Đà Nẵng có một sắc thái riêng về văn hóa phục vụ. Tức là văn hóa mến khách của người miền Trung cùng với sự chuyên nghiệp, đạt đẳng cấp quốc tế. Đó sẽ là sắc thái riêng để phục vụ cho du lịch Đà Nẵng sẵn sàng “cất cánh” thời hậu Covid-19”! – ông Nguyễn Đức Quỳnh nhấn mạnh.
Được biết, trên tinh thần “dịch Covid-19 gây tổn thất nhưng cũng là cơ hội để ngành du lịch có thời gian tập huấn, đào tạo lại người lao động, Hội Khách sạn Đà Nẵng phối hợp với Sở Du lịch và Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng sẽ tổ chức 2 khóa “Đào tạo kỹ năng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn VTOS: Nghiệp vụ buồng và Sale OTA” cho các khách sạn trên địa bàn trong tháng 3 này.
Theo đó, khóa học dành cho nhân viên của tất cả các khách sạn, nhưng đặc biệt ưu tiên cho các khách sạn đã tham gia thỏa ước nhóm mà ngành du lịch đã ký với Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng trong năm 2019. Hai khóa đào tạo nêu trên sẽ kết hợp lý thuyết với thực hành nhằm nâng cao kiến thức và nghiệp vụ cho các nhân viên khách sạn trên địa bàn.
Đóng cửa khách sạn đôi khi là lựa chọn tốt lúc này! Bên cạnh đó, khá bất ngờ là ông Trần Đức Quỳnh khuyến cáo trong thời kỳ đặc biệt thấp điểm hiện nay, bên cạnh việc tập trung tập huấn, đào tạo lại người lao động, các cơ sở du lịch dịch vụ chưa nhất thiết phải bằng mọi cách tiếp tục duy trì hoạt động. Bởi theo ông, nay là lúc DN chỉ có hoặc trắng tay, hoặc tự chính họ tìm thấy mình cần phải làm gì. Không ai có thể bảo DN phải làm gì hay không làm gì, mà tự họ sẽ biết và phải biết rằng “sức khỏe” của họ đến đâu. “Khó khăn hiện nay là khó khăn chung, chưa thể nói sẽ kết thúc trong một vài tháng mà có thể kéo dài rất lâu. Vì thế, đôi khi tạm thời đóng cửa khách sạn lại là lựa chọn tốt lúc này. Như thế sẽ tránh cho DN được rất nhiều thứ, nhất là giảm thiểu tối đa chi phí, để tập trung cho việc nâng cao năng lực cho đội ngũ lao động và hoạch định chiến lược, xây dựng sản phẩm mới. Tuy nhiên đó là quyết định của chủ đầu tư, các nhà kinh doanh khách sạn. Họ phải tự có câu trả lời cho chính mình về việc sẽ kinh doanh như thế nào, tiết kiệm ra làm sao. Doanh nghiệp phải tự cứu, chứ chỉ trông chờ vào việc kêu cứu tới nhà nước trong khi nhà nước cũng đang rất khó khăn thì khó mà đáp ứng được tất cả!” – ông Nguyễn Đức Quỳnh nhấn mạnh. |