Hồi hộp chờ dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội
Anh Trần Cảnh, chủ nhà hàng Hải sản tươi sống trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau thời gian đóng cửa hàng để phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh bị đình lại toàn bộ, tiền thuê mặt bằng, chi trả lương cho nhân viên, doanh số lao dốc khiến nhà hàng rơi vào cảnh khó khăn.
"Tôi chỉ có cố gắng cầm cự, đợi ngày hết cách ly rồi làm lại chứ không biết sao nữa. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là chưa biết được cụ thể ngày hoạt động trở lại, điều này gây khó khăn rất nhiều cho công tác chuẩn bị của nhà hàng", anh Cảnh cho hay.
Tương tự, anh N.N.L, đại diện một nhà hàng khá lớn trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, theo chỉ thị của Chính phủ thì 22/4 sẽ hết hạn cách ly xã hội trên địa bàn Hà Nội. Khi tháo dỡ lệnh cách ly, nhu cầu mua sắm của các nhà hàng, quán ăn tăng mạnh, nếu bị động, hoặc là thiếu nguyên liệu hoặc là chấp nhận giá đầu vào cao hơn vì nhiều nơi cũng có nhu cầu nguyên liệu sản xuất.
"Sợ nhất là cảnh tranh nhau mua bán. Chưa kể, mọi thứ chuẩn bị hết rồi nhưng lại có lệnh cách ly tiếp thì nhà hàng xem như phá sản bởi còn tí vốn lại dồn vào đây, thực phẩm tươi sống không biết bảo quan ra làm sao", anh N.N.L nói.
Thời gian này, nhiều quán hàng còn phải gấp rút tuyển thêm nhân viên phục vụ vì trước đó phải cắt giảm nhân sự để giảm chi tiêu. Tuy nhiên, cho dù đã đăng tin, tìm người từ mấy hôm nay nhưng không có ai đến xin việc.
"Nhân viên phục vụ tại đây chủ yếu là sinh viên, lao động tự do. Trong khi sinh viên thì chưa trở lại đi học, nhân viên cũ người đã đổi nghề mưu sinh, người về quê chưa lên lại. Trường hợp tuyển thêm nhân viên mới phải mất thêm thời gian đào tạo từ đầu. Nói chung con đường phía trước còn muôn vàn khó khăn", đại diện một nhà hàng chia sẻ.
Thay đổi để thích nghi
Trao đổi với Dân Việt, anh Cảnh (chủ nhà hàng đã nêu trên - PV) cho biết, trong khoảng thời gian nhà hàng tạm thời đóng cửa, anh đã tiến hành sửa chữa những hạng mục đã bị hư hỏng trước đó. Đồng thời, cũng ngồi lại với nhà bếp tìm hiểu những món mới, chuẩn bị nguồn nguyên liệu để phục vụ tốt nhất khi mở cửa trở lại.
Chủ nhà hàng này cũng đưa ra hai phương án ứng phó với dịch, thứ nhất là thương lượng với chủ nhà để giảm chi phí mặt bằng, thứ hai là chủ động giảm bớt số lượng nhân viên; cố gắng tiết kiệm một số chi phí như điện nước, nguồn hàng.
"Tạm dừng kinh doanh không có nghĩa là tạm dừng hoạt động. Nếu có đã có thể thương lượng với chủ nhà hạ chi phí mặt bằng thì mình cũng có thể đàm phán với những nhà cung cấp khác như thực phẩm, ga, bia, nước ngọt... các loại. Tất cả đều là quan hệ cộng sinh, mỗi người giảm một ít để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi nghĩ, chỉ cần ngồi lại nói chuyện với nhau, mọi việc đều sẽ có hướng giải quyết", anh Cảnh cho hay.
Trong khi đó, trái ngược với sự đìu hiu, vắng vẻ ngoài phố, dịch vụ bán hàng online trên mạng xã hội lại rất nhộn nhịp. Tận dụng ưu thế này, nhiều nhà hàng triển khai bán hàng qua nhiều kênh thương mại điện tử để duy trì hoạt động kinh doanh.
Theo chủ chuỗi nhà hàng Phở cuốn Hương Mai mặc dù phải đóng cửa chuỗi nhà hàng bán phục vụ trực tiếp, nhưng nhà hàng đã chuyển qua đẩy mạnh việc bán hàng online (vốn đã được áp dụng từ lâu) cho tất cả 9 cơ sở. Theo đó, nhà hàng Phở cuốn Hương Mai vẫn mở bán phục vụ online từ 9h30 sáng đến 21h30 tối tất cả các ngày và duy trì đầy đủ thực đơn, không cắt giảm món nào.
Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, sau lệnh cách ly xã hội, nhiều khả năng các nhà hàng, quán ăn sẽ được ưu tiên mở cửa. Điều này sẽ giúp tiêu thụ một lượng lớn nông sản, kích cầu. Ngoài ra, mở cửa hệ thống dịch vụ ăn uống sẽ giúp duy trì việc làm cho một lượng lớn lao động, nhất là lao động tự do.
Tuy nhiên, những nhà hàng này cần tuân thủ nguyên tắc kinh doanh an toàn. Đảm bảo nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang; nước rửa tay khô cho khách hàng rửa tay diệt khuẩn; có bảo vệ đo thân nhiệt cho khách trước lúc vào quán; giữ khoảng cách anh toàn...
Bên cạnh đó, về nguồn lực, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh nhận định, người đứng đầu phải cơ cấu lại doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ nhằm kiểm soát và điều hành doanh nghiệp hiệu quả. Đầu tư vào quản trị tài chính, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ.
"Mở cửa hoạt động trở lại, không có nghĩa là lơ là thị trường bán hàng online. Việt Nam có 100 triệu dân, nền tảng trẻ với hơn 80% người dân biết sử dụng smatphone. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp tận dụng kinh doanh số. Người làm chủ cần tiếp cận phương thức buôn bán trên nền tảng online vì dịch Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó, tác động từ nghị định 100, thói quen tiêu dùng trong thời gian qua cũng khiến lượng người tụ tập tại hàng quán ít hơn trước", ông Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tiếp cận thêm các thị trường mới, mở rộng đối tượng khách hàng để phục vụ đa mục tiêu. Và quan trọng hơn, nên trích ra khoảng 5% lợi nhuận để lập một quỹ rủi ro, phòng khi dịch bệnh, tai họa diễn ra bất ngờ chúng ta có vốn để ứng biến, vượt qua khó khăn.