Nước rửa tay: Thượng vàng hạ cám hàng trên mạng
Hiện tại dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp vì vậy nhu cầu mua bán dung dịch rửa tay sát khuẩn hiện đang khá cao. Khắp nơi người dân đang cố “săn” cho mình sản phẩm này để sử dụng và dự trữ nhằm phòng chống dịch bệnh. Điều đó dẫn đến tình trạng nước dung dịch rửa tay luôn bị “cháy hàng” và rất nhiều tiệm thuốc, cửa hàng đều treo biển thông báo tạm hết.
Do nhu cầu mua nước rửa tay chống Covid-19 tăng cao mà nguồn cung hạn chế, nhiều nhà thuốc đều thông báo hết hàng.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, người dân cũng đang rơi vào tình trạng không mua được dung dịch rửa tay do khan hiếm hàng. Theo ghi nhận của PV Dân Việt, rất ít nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai “dư giả” mặt hàng này. Hầu hết các cửa hàng đều treo biển hết khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn.
Trước thực tế này, nhiều khách hàng đã chọn cách đặt mua các loại nước rửa tay khô, dung dịch sát khuẩn trên mạng và không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của sản phẩm này. Người dân cho biết, do không trực tiếp mua được tại các nhà thuốc, siêu thị nên thông qua mạng họ đã đặt mua hàng online. Trên nhãn mác bao bì ghi đầy đủ thông số, hương liệu,… và được bán với nhiều loại giá như 40, 50, 70, 90 ngàn đồng/lọ tùy theo dung tích. Công dụng chung của sản phẩm này là dùng để rửa tay khô mọi lúc mọi nơi mà không cần rửa lại bằng nước, giúp làm sạch, kháng khuẩn giữa thời điểm dịch bệnh virus corona đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên việc người dân mua hàng trên mạng, chỉ tin lời người bán, khó có thể kiểm tra được về nguồn gốc xuất xứ nên cũng không biết được chất lượng những sản phẩm này như thế nào.
Mua ở tiệm thuốc khó nhưng mua trên mạng lại rất nhiều và mua rất dễ dàng nước rửa tay khô chống Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Thương, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, trước giờ gia đình chị chỉ rửa tay với nước rửa tay thông thường. Gần đây dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên chị cũng thấy lo lắng, muốn bảo vệ an toàn cho gia đình nên nhà chị muốn sử dụng nước rửa tay khô. Tuy nhiên khi chị đi ra tiệm thuốc, tạp hóa, siêu thị tìm mua loại nước rửa tay này thì đều nhận được những cái lắc đầu của người bán, thông báo hết hàng. Do đó chị lên mạng mua nước rửa tay khô với giá từ 70 ngàn đồng/chai nhưng vẫn bấm bụng mua. Trên các chai nước rửa tay vẫn được ghi dòng chữ, công thức dung dịch rửa tay được WHO khuyến cáo.
Cũng theo chị Thương, chị mong muốn ngành chức năng đôn đốc hoặc có phương án để các cơ sở, công ty sản xuất các sản phẩm rửa tay đạt chuẩn để bà con đều được mua dùng, tránh mua sai hàng, tiền mất tật mang.
Tự sản xuất có đủ tiêu chuẩn
Cũng theo ghi nhận của PV Dân Việt, do dung dịch và nước rửa tay khô khá dễ bào chế do đó hiện ngoài các đơn vị chuyên sản xuất nước rửa tay thì có rất nhiều người tự sản xuất dung dịch rửa tay để bán ra thị trường.
Nhưng do nhiều sản phẩm tự bào chế không được kiểm soát nguyên liệu đầu vào nên khó cho ra sản phẩm chất lượng, nguy cơ không đúng chuẩn rất cao.
Tại Đồng Nai chỉ có một số cơ sở lớn đăng ký chất lượng về nước rửa tay khô như cồn 70o theo quy định công bố chất lượng của các sản phẩm không phải là thuốc tại Sở Y tế. Vì vậy việc khan hiếm mặt hàng này trên thị trường là điều bình thường. Dù vậy đơn vị chức năng khuyến cáo người dân nên chọn mua các loại dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay khô, khẩu trang y tế ở những cửa hàng, nhà thuốc, chuỗi cung cấp có uy tín. Trước khi chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan về nguồn gốc, thành phần, các tiêu chuẩn thể hiện trên nhãn sản phẩm, xem xét hàng hóa trước khi thanh toán, yêu cầu có hóa đơn mua hàng…
Đủ loại đủ mặt hàng gel, nước rửa tay dễ mua trên mạng nhưng không rõ chất lượng sản phẩm ra sao
Chia sẻ với báo chí, dược sĩ Nguyễn Duy Văn, Phó phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế Đồng Nai cho biết, nước rửa tay nhanh phải được pha theo đúng công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đảm bảo chất lượng. Hiện nay nhu cầu sử dụng cao nên các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm pha chế dung dịch này. Tuy nhiên muốn sản phẩm sử dụng được thì các bệnh viện phải xây dựng quy trình chuẩn, có trang thiết bị y tế đạt chuẩn và được hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện duyệt. Dù vậy, sản phẩm chỉ được lưu hành nội bộ chứ không được đưa ra bên ngoài. Nhưng các sản phẩm này cũng là những sản phẩm phải đạt được chất lượng và có chức năng diệt khuẩn.
Cũng theo ông Văn, việc tự pha chế nước rửa tay khô không khó nên mỗi người cũng có thể tham khảo công thức trên mạng để pha chế, nhưng hướng dẫn và làm được là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ông Văn nói thêm: “Tự pha chế vẫn được nhưng công thức có đúng theo khuyến cáo của WHO hay không thì không ai biết được. Hơn nữa còn phải xem xét nguyên liệu để pha chế ra dung dịch rửa tay khô nữa. Do đó, chất lượng, vấn đề vệ sinh, trình độ của người pha chế, cơ sở pha chế sẽ khó kiểm soát. Họ muốn bán sản phẩm này trên thị trường bắt buộc phải làm thủ tục công bố chất lượng tại Sở Y tế. Còn nếu không được công bố thì tức chỉ là hàng trôi nổi, không được phép lưu hành”.
Ông Văn cũng cho biết, hiện nay tại Đồng Nai, để chủ động phòng dịch virus corona, trên địa bàn tỉnh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và các bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đều sử dụng công thức của WHO để điều chế nước rửa tay khô. Các bệnh viện này đã đầu tư mua dụng cụ pha chế dung dịch này vớicác nguyên liệu: Cồn (ethanol), tinh dầu tràm... được điều chế trong 3 ngày mới sử dụng được.
“Nếu đầu tư máy móc, nguyên liệu chất lượng, pha chế theo công thức WHO thì dung dịch mới đạt chuẩn”, ông Văn nói.