Lợi nhuận các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh nhiều vì Covid-19 (Ảnh: IT)
Ngân hàng cơ cấu lại nguồn thu
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, lợi nhuận của các nhà băng phần lớn phụ thuộc lớn vào sự vận hành của hệ thống doanh nghiệp (DN) và mức thu nhập của dân cư. Rõ ràng, Covid-19 đã tác động rất lớn đến các “nguồn thu” này của các ngân hàng. Đặc biệt, các gói hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ phí dịch vụ, chuyển đổi hệ thống ngân hàng số… mặc dù là chính sách rất tốt mà ngành ngân hàng hỗ trợ cho DN và người dân, song đây cũng là nguyên nhân làm sụt giảm lợi nhuận trong năm 2020 của các ngân hàng. Ngoài ra, nếu việc giải ngân các gói tín dụng không được kiểm soát kỹ, có thể làm tăng lên các khoản nợ xấu, và buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, khiến các khoản lợi nhuận càng bị… “ăn mòn” trong năm 2020.
Vì vậy, giải pháp được các chuyên gia tài chính đưa ra là, các ngân hàng nên cơ cấu lại nguồn thu để bù đắp lợi nhuận qua các hoạt động như: Giảm chi phí vận hành kinh doanh; tăng doanh thu qua hoạt động ngân hàng số và hệ thống kênh online; gia tăng dư nợ cho các DN có lĩnh vực kinh doanh thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu,…
Mới đây, để hỗ trợ tích cực hơn cho các DN và người dân trong mùa dịch Covid-19, các ngân hàng đều đồng loạt bổ sung thêm các gói vay với mức lãi suất hấp dẫn. Chẳng hạn, BIDV ngoài gói vay ban đầu 25 nghìn tỷ đồng (lãi suất ưu đãi 0,5% - 1,5%), nhà băng này mới bổ sung thêm gói bay 100 nghìn tỷ đồng (lãi suất ưu đãi 2 - 2,5%);
Vietcombank ngoài gói vay 154 nghìn tỷ đồng ban đầu (lãi suất 0,5% - 1,5%), cũng bổ sung thêm 20 nghìn tỷ đồng (lãi suất 2 - 2,5%); Vietinbank ngoài gói vay 60 nghìn tỷ ban đầu (lãi suất 0,5% - 1,5%) cũng mới bổ sung thêm 60 nghìn tỷ đồng (lãi suất 2 - 2,5%)… Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng cường hỗ trợ DN và người dân trong thời điểm khó khăn này cũng là để các ngân hàng tự “cứu” mình, bởi khó khăn lớn nhất của các DN lúc này là vấn đề thanh khoản, tức là khả năng chi trả.
Các ngân hàng tìm cách đa dang nguồn thu trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh: IT)
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng: “Các DN đang gặp khó khăn về khả năng chi trả, đó có thể là trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền cho người lao động, trả tất cả chi phí hoạt động, kể cả trả nợ ngân hàng và thuế… đứng trước những gánh nặng như thế thì các ngân hàng cần sớm hỗ trợ, giúp họ có tính thanh khoản, tức là còn giữ được khả năng trả nợ. Nếu DN họ mất thanh khoản thì sẽ chết ngay, bị đào thải và đi đến phá sản, khi đó nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên”.
Một chuyên gia tài chính khác thì nhận định, xu thế sắp tới sẽ là một cuộc đua giảm lãi suất huy động giữa các ngân hàng. Bởi, giảm lãi suất cho vay không chỉ là mệnh lệnh của NHNN mà nó là yêu cầu cấp thiết của thị trường. Và, giảm lãi suất huy động cũng là cách giảm áp lực cho các chi phí khác vốn rất khó giảm như: Lương nhân viên, chi phí quản lý, chi phí công nghệ thông tin…
Tất nhiên, ở mỗi ngân hàng đều có cách làm khác nhau để cơ cấu lại nguồn thu, nhưng nhìn chung các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động, mang lại lợi nhuận ở mỗi ngân hàng đều đang đẩy mạnh vào lĩnh vực bán lẻ. Chẳng hãn, đẩy mạnh vào lĩnh vực bancassurance chủ yếu được đẩy mạnh ở các ngân hàng như VIB, ACB…
Trong khi VPB, HDB và TPB lại bùng nổ với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao; khoảng 4,8% tính đến hết tháng 2/2020 đối với VPB, 5% tính đến hết tháng 2/2020 đối với HDB và 9% tính đến hết tháng 3/2020 đối với TPB. Trong đó, VPB và TPB đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp; còn HDB thì đẩy mạnh cho vay với một số khách hàng DN, đã được ký trước đó vào cuối năm 2019.
Lợi nhuận ngân hàng sẽ ra sao nếu Covid-19 kéo dài?
Mới nhất, Công ty CP Chứng khoán SSI đã đưa ra 2 kịch bản về lợi nhuận ngành ngân hàng trong dịch Covid-19. Theo đó, kịch bản cơ sở cho rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối Q2/2020, khi đó, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ có mức tăng trưởng +7,2% so cùng kỳ; trong khi đối với kịch bản xấu nhất dịch bệnh sẽ không được kiểm soát đến cuối năm 2020, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ có mức tăng trưởng chỉ +0,8%.
Ở kịch bản cơ sở, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng đều tăng so với năm 2019, chẳng hạn như: ACB với 8.140 tỷ đồng, tăng 8,3%; BIDV dự báo đạt 11.899 tỷ đồng, tăng 10,9%; Vietinbank dự báo đạt 12.152 tỷ đồng, tăng 3,2%; HDBank dự báo đạt 5.431 tỷ đồng, tăng 8,2%; Vietcombank dự báo đạt 24.090 tỷ đồng, tăng 4,2%; Techcombank dự báo đạt 13.695 tỷ đồng, tăng 6,7%...
Trong khi đó, với kịch bản xấu nhất, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ sụt giảm mạnh so với năm 2019. Trong đó, sụt giảm mạnh nhất là LienVietPostBank với mức sụt giảm khoảng 4,2%, chỉ đạt 1.954 tỷ đồng; kế đến là Vietinbank với mức sụt giảm lợi nhuận trước thuế ước là 2,3%, chỉ đạt 11.516 tỷ đồng; BIDV cũng ước sụt giảm -0.9% lợi nhuận trước thuế, chỉ đạt 10.779 tỷ đồng.
Một loạt các nhà băng khác cũng vẫn tăng trưởng dương so với năm 2019 nhưng mức tăng trưởng được điều chỉnh giảm mạnh, chẳng hạn: ACB tăng trưởng 1,6%, đạt 7.637 tỷ đồng; HDB tăng trưởng 0,4%, đạt 5.036 tỷ đồng; Vietcombank tăng trưởng 1.6%, ước đạt 23.492 tỷ đồng; Techcombank tăng trưởng 0,6%, ước đạt 12.921 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là TPBank và MBBank với mức tăng trưởng lần lượt là 4,7% và 2,4%, tương ứng mức đạt 4.049 tỷ đồng và 10.280 tỷ đồng.