Dịch Covid-19 khiến cuộc sống nghèo túng càng thêm khốn khó
Trong căn nhà chật chội dưới chân cầu Long Biên (Xóm Bụi, P. Phúc Xá, Q.Ba Đình) có hai mẹ con chị Đào Thị Nhung quê Cầu Ngàng, huyện Kim Động (Hưng Yên) sinh sống. Chẳng biết lên Hà Nội từ năm nào, trong trí nhớ của chị Nhung là những ngày tháng làm đủ nghề từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên miền ngược kiếm sống, mà vẫn không thoát khỏi cái nghèo bấu víu.
“Từ năm lên 6 lên 7 tuổi, mẹ đã đưa tôi lên Hà Nội đi làm, công việc cũng chỉ là lượm nhặt chai lọ, ai thuê gì làm nấy. Về sau, hai mẹ con lại lên rừng đi làm rẫy cho người ta. Sau này, tôi vào Nam làm giúp việc, được 6 tháng tôi xin nghỉ, phần vì tôi bị tai nạn giao thông, phần nữa chủ không thuê nữa. Tôi trở ra Hà Nội làm nghề đi giao hàng mã, nhiều thì kiếm được 200.000 đồng/ngày, ít thì được 50.000 đồng/ngày. Hiện tại tôi làm cửu vạn ở chợ Long Biên, cố gắng kiếm tiền lo cho con trai và gửi về cho mẹ già 83 tuổi ở quê”, chị Nhung cho biết.
Cũng như bao người phụ nữ khác mơ ước về một mái ấm êm ái, bình an, chị Nhung cũng lấy chồng, nhưng không hạnh phúc. Cô con gái đầu lên 6 tuổi thì bị đuối nước. Về sau chị “đi xin” một đứa con. Hiện tại cậu con trai sinh năm 1999 vừa đi học vừa làm thêm phụ giúp mẹ. |
Tâm sự về con, chị cho biết: “Trước em nó cũng mải chơi lắm, bỏ nhà lên Hà Nội. Về sau Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (một tổ chức phi Chính phủ) hỗ trợ cho cháu được đi học nghề. Cũng may tôi không phải lo tiền học mà tổ chức hỗ trợ hết, chỉ lo tiền vặt vãnh xăng xe đi lại, tiền sinh hoạt cho con thôi”.
Di chứng gẫy xương đòn của đợt tai nạn trước để lại, rồi lưng lồi đĩa đệm giai đoạn 3, cùng chứng đau khớp ở chân khiến công việc chị cũng bị gián đoạn. Thêm vào đó, đợt dịch Covid-19 biến cuộc sống vốn đã nghèo túng lại càng thêm khốn khó. Nếu như trước đây, vào các ngày tuần của chợ Long Biên (14, 15, 1, 30 ÂL), chị Nhung đi bốc hàng từ 2 rưỡi sáng đến 7-8 giờ sáng mới về, thu nhập khoảng 3 triệu/tháng thì giờ đây, thu nhập của chị giảm đi rất nhiều do lượng người đi chợ ít hơn, mức tiêu thụ cũng không nhiều như trước nên công việc của chị giảm hơn phân nửa. Trong khi đó, biết bao nhiêu khoản phải chi phí, nào là tiền nhà trọ 1,2 triệu/tháng, tiền thuốc từ 500.000 – 600.000 đồng, tiền chữa bệnh cho mẹ già ở quê, tiền sinh hoạt của hai mẹ con ở Hà Nội… “Dân cửu vạn như tôi chỉ mong nhanh hết dịch, công việc lại ổn định như trước để có thu nhập lo cho gia đình là mừng lắm rồi”, chị Nhung tâm sự.
“Chưa bao giờ tôi phải “ngồi chơi” 3 tháng”
Có mặt từ sáng sớm ở cầu Đen (Tô Hiệu, P. Nguyễn Trãi, Q. Hà Đông), chị Quỳ (quê Giao Thủy, Nam Định) cùng với rất nhiều lao động tự do khác cũng luôn phải chờ đợi tiếng gọi từ người thuê mướn. Hai vợ chồng chị cùng cô con gái út lên Hà Nội kiếm sống, những tưởng cuộc sống ở thủ đô “dễ thở” nhưng lại ngột ngạt muôn phần. “10 năm ở Hà Nội, chưa bao giờ tôi lâm vào hoàn cảnh không có việc làm như 3 tháng trở lại đây. Đợt dịch này lớn quá, nguy hiểm quá. Nếu như trước đây, với công việc lái xe ôm của chồng cùng với công việc cửu vạn của tôi thì cũng thu được khoảng 10 triệu/tháng. 3 tháng nay, tôi không có việc, nhưng vẫn cứ ngồi ở cầu Đen hy vọng sẽ có người kiếm đi làm”.
Chị Quỳ (ngồi ngoài cùng trên ghế đá) cùng rất nhiều lao động tự do khác ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình sáng nào cũng ngồi ở cầu Đen chờ việc.
Từ khi lên Hà Nội, bất cứ công việc nào, hễ có người thuê là chị Quỳ cũng làm từ đào móng, phụ hồ, đến dọn dẹp nhà cửa theo giờ… Hiện tại 2 vợ chồng cùng cô con gái út đang thuê trọ ở Phường Hà Cầu (Q. Hà Đông). Với số tiền ít ỏi kiếm được trong đợt dịch dùng để trả tiền phòng trọ gần 2 triệu, mỗi tháng 2 triệu cho cô con út đi học và chi phí sinh hoạt của cả gia đình… dù tằn tiện cũng không đủ. “Bây giờ về quê cũng chẳng biết làm gì, thu nhập từ ruộng thấp lắm chỉ có 300.000-400.000/tạ thóc, làm gì có tiền. Giờ tôi chỉ mong có việc để có tiền trang trải cuộc sống và cho gái út được đi học”.
Cũng chọn cho mình một góc ngồi với hy vọng các cuốc xe ôm đến đều. Ông Lợi (huyện Ứng Hòa) năm nay đã 70 tuổi bươn chải nhiều nghề để mưu sinh. “Trước khi quay sang lái xe ôm, tôi làm nhiều việc lắm, hết khuân vác, đi xích lô, rồi mới qua cái nghề này, nói chung hễ ai thuê gì thì làm nấy. Nay tuổi cao rồi, tôi chuyển sang chạy xe ôm cho khỏe”. Dừng một lát ông nói tiếp “Đợt dịch trước người ta cấm đường nên không đi làm được, tôi ở lại đây đi làm cửu vạn ở chợ Long Biên. Đợt này kiếm được ít lắm, một ngày cũng chỉ được 30.000-50.000 đồng, còn không đủ tiền nhà đây”.
“Tầm tuổi tôi không còn được tham gia xe ôm công nghệ nữa, nên được cuốc nào ăn cuốc đó vậy”, ông Lợi cho biết. |
|
Chỉ mong đủ tiền cho con đi học
Anh Nguyễn Văn Hanh và vợ lên Hà Nội sinh sống cũng được 6-7 năm. Anh đi bán hàng mã gần 2 năm rồi chuyển sang lái Grab (xe ôm công nghệ). Công việc lái xe ôm giúp anh thu về từ 9-10 triệu mỗi tháng, cộng thêm tiền làm thêm ở quán bún chả của vợ cũng được gần 16 triệu. Với khoản tiền này, vợ chồng anh gửi về cho bố mẹ ở quê 3 triệu/tháng để lo cho 2 đứa con ăn uống, học hành, tiền thuê trọ gần 2 triệu, cũng xem như có dư dả.
“Nào ngờ dịch tới, mỗi cuốc xe của tôi chỉ được khoảng 12.000-13.000 đồng, trừ đi 2% chi phí của hãng chỉ còn khoảng 10.000 đồng. Ngày nào cũng vậy, khách ít nên tháng vừa rồi chỉ được 5 triệu. Lương của vợ cũng giảm đi. Nếu cứ đà này, 2 vợ chồng tôi tính về quê, làm gì đó cũng được, chứ như thế này vừa tốn kém, lại vừa không có tiền cho con đi học”.
Những ngày không có khách, anh Hanh chạy sang quán vợ đang làm thêm phụ giúp |
|
Cũng trong hoàn cảnh có 2 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, anh Hà Trọng Anh (quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang chạy ăn từng bữa và kiếm tiền gửi về quê. Ở Vĩnh Phúc có nhiều nhà máy, khu công nghiệp nhưng sức khỏe không tốt, anh Anh lên Hà Nội làm thuê. Mỗi ngày từ 9h tối đến 5h sáng, anh làm cửu vạn ở chợ Long Biên. Nhờ công việc này mà mỗi tháng kiếm được 9 triệu đồng. Từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát, chợ hẩm hiu, “một đêm chỉ kiếm được 100.000 đồng, mà tiền học cho các cháu khoảng 3-4 triệu/tháng, tôi còn chưa biết xoay sở như thế nào?”
Cũng như chị Quý, chị Nhung, anh Hanh, nhiều lao động tự do đang mưu sinh ở Hà Nội chỉ mong nhanh chóng hết dịch để công việc của họ trở lại bình thường, có tiền lo cho cuộc sống gia đình vốn đã nhiều khốn khó./.