-Ông đánh giá như thế nào về gói chính sách an sinh hơn 61,5 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đang dự kiến?
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn tiến ngày càng phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam cũng như đang có những tác động tiêu cực về mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội và sức khỏe thì có thể thấy rõ là các nhóm dân số dễ tổn thương sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Việt Nam không là ngoại lệ khi bắt đầu thấy rõ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu cũng như việc thu hẹp sản xuất của nhiều ngành trong nước. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc đưa ra gói chính sách an sinh xã hội của Chính phủ là hết sức kịp thời để có thể giảm bớt những tác động tiêu cực của cú sốc đại dịch này.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Tất nhiên, mức bao phủ và tác động của gói chính sách này như thế nào còn phụ thuộc rất lớn vào việc Chính phủ cùng các Bộ, Ngành và các địa phương triển khai cụ thể ra sao. Dù vậy, với những nhóm đối tượng được hỗ trợ được đề xuất, tôi cho rằng gói an sinh xã hội này sẽ có những tác động trên diện rộng tới doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn rất khó khăn này.
-Bộ KHĐT đang đưa ra 6 nhóm hỗ trợ với mức hỗ trợ từ 500 – 1,8 triệu đồng/người. Đánh giá của ông về các con số hỗ trợ này?
Thực tế cho thấy doanh nghiệp và người lao động là những "nạn nhân" đầu tiên của đại dịch nếu xét về mặt kinh tế.
Việc cắt giảm các hoạt động kinh tế ở cả trong và ngoài nước để tập trung vào giảm bớt nguy cơ lây lan và dập đại dịch đang khiến cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí dừng hoạt động hoặc đóng cửa.
Hệ quả là, người lao động cũng phải dừng công việc hoặc mất việc, trở thành thất nghiệp. Trước các nguy cơ đó, tôi cho rằng việc Bộ KH&ĐT đưa ra 6 nhóm hỗ trợ với các mức khác nhau từ 500 ngàn đến 1,8 triệu đồng/người cũng là kịp thời và phần nào đó giải quyết được khó khăn tạm thời của doanh nghiệp và người lao động trong đảm bảo thu nhập thường xuyên.
-Theo góc nhìn của ông, nếu gói này được thông qua thì khi vào thực tiễn liệu có gặp vấn đề khó khăn gì khi đến tay người dân không? Nếu có thì cách khắc phục là gì?
Nhìn một cách cụ thể vào các nhóm đối tượng sẽ nhận hỗ trợ trong giai đoạn này thì có thể thấy nhiều nhóm đang có và sẽ nhận thêm hỗ trợ.
Ví dụ, trong gói an sinh xã hội có dành hỗ trợ cho người có công, những người đang hưởng bảo trợ xã hội (theo Nghị định 136/2013 của Chính phủ)… nên chúng ta nắm rõ được đối tượng và giờ chỉ triển khai việc đưa hỗ trợ tới họ trong hệ thống đang có sẵn.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020), gói hỗ trợ cũng dành 1 triệu đồng/hộ/tháng cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh (dự kiến là 760.000 hộ) và 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến là 5 triệu lao động).
Khó khăn lớn nhất chính là phải nghiên cứu cách đăng ký hưởng chính sách phù hợp và đảm bảo mọi người có thể tiếp cận được và tiếp cận một cách công bằng với chính sách hỗ trợ này, đặc biệt là với những lao động không có giao kết hợp đồng vì họ không thuộc bất kỳ một hệ thống chính sách an sinh xã hội nào trước đây và cũng không có thống kê chi tiết về công việc, thu nhập... của họ.
Tôi cho rằng, để xác định đúng đối tượng, cần phải có sự phối hợp liên ngành mà trong đó vai trò của cơ quan quản lý ở địa phương là rất quan trọng khi lập danh sách, xác nhận đối tượng thụ hưởng cũng như thực hiện và giám sát, đảm bảo khoản hỗ trợ tới tay người thụ hưởng.
Kinh nghiệm trong nhiều chính sách hỗ trợ trước đây cho thấy, sự lỏng lẻo của chính quyền địa phương sẽ dẫn tới hệ quả của việc đưa vào danh sách sai đối tượng (inclusion errors) cũng như loại những đối tượng cần phải hỗ trợ (exclusion errors) và từ đó gây thất thoát nguồn hỗ trợ.
-Dịch Covid-19 cũng đặt ra nhiều vấn đề trong an sinh đối với những người lớn tuổi. Việt Nam là một nước có tốc độ già hoá dân số cao, theo ông, chính sách trong thời gian tới cần tập trung thêm vào những vấn đề gì để đảm bảo cho người lớn tuổi nếu có những sự cố bất thường như thế này xảy ra?
Thống kê ở tất cả các nước cho thấy người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong những người bị nhiễm và tử vong do CoVID-19. Nguyên nhân chính là do người cao tuổi có nhiều bệnh nền thuộc dạng bệnh mạn tính (như hô hấp, tim mạch, tiểu đường…). Khi đã bị lây nhiễm và phải điều trị, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao.
Do đó, hướng tới một dân số đang già hóa nhanh hiện nay và sẽ là dân số già trong 2-3 thập kỷ tới, tôi cho rằng chúng ta cần xây dựng một hệ thống chăm sóc người cao tuổi đa dạng về mô hình – tại nhà, tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc – cũng như phát triển một hệ thống lão khoa đủ lớn về mặt nhân lực (trong đó người chăm sóc là trung tâm) và cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ.
Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta chuẩn bị cho dân số già từ khi còn trẻ, tức là ngay bây giờ cần có và đẩy mạnh những chương trình giáo dục rộng rãi về chăm sóc sức khỏe cá nhân, gia đình và có trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng. Việc triển khai quản lý một số bệnh mạn tính (như huyết áp, tiểu đường) tại cộng đồng như hiện nay là một bước đi phù hợp, thích ứng dần với dân số cao tuổi ngày càng nhiều hơn.
Sự cố bất thường như đại dịch Covid-19 hiện nay thực sự là ‘thuốc thử’ cho hệ thống y tế và chăm sóc của những nước thu nhập cao và có tỷ lệ dân số cao tuổi rất cao. Nó cũng cho những bài học kinh nghiệm với những nước đang già hóa nhanh nhưng mới có mức thu nhập trung bình như Việt Nam. Bài học "phòng bệnh hơn chữa bệnh" và "không để nước đến chân mới nhảy" luôn có giá trị với tầm nhìn chính sách dài hạn.
Cảm ơn Ông!