Các chuyên gia cho rằng, chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần quan tâm, coi trọng thị trường nội địa, tập trung phát huy thế mạnh phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng.
Hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, lĩnh vực rất nhạy cảm với tác động từ dịch bệnh, nhưng hệ thống Coopfood miền Bắc đã chuẩn bị rất kỹ những biện pháp để sẵn sàng ứng phó trong đợt dịch Covid-19 lần này. Ngoài các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên thì việc xây dựng vùng nguyên liệu, dự trữ nguồn hàng cũng đã được chuẩn bị từ trước. Nhờ đó, hệ thống bán lẻ này luôn duy trì hoạt động ổn định.
Chị Trần Thủy Hương, Phòng Marketing, hệ thống CoopFood miền Bắc cho biết: “Kịch bản về dịch bệnh thì đã được chúng tôi chuẩn bị. Chúng tôi đã làm việc với các đối tác và nguồn cung ứng từ trước. Vì vậy, chúng tôi luôn đảm bảo mức giá ổn định, hầu như không thay đổi từ trước và sau dịch, để người dân luôn tin tưởng đến mua hàng của chúng tôi”.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp tổ chức cho người lao động làm việc luân phiên để hạn chế tiếp xúc đông người những vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các kế hoạch chi tiêu được điều chỉnh theo hướng cắt giảm, điều chỉnh lại những chương trình đầu tư chưa cấp thiết hoặc không còn phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Cùng với đó, chính sách nội bộ của doanh nghiệp đã khuyến khích mạnh mẽ sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Xuân Tùng, người sáng lập nhãn hàng thời trang Biluxury chia sẻ: “Chúng tôi tạm dừng việc mở rộng hệ thống bán lẻ trên cả nước, từ miền Nam, miền Trung đến khu vực phía Bắc của miền Bắc. Vụ Xuân-hè của chúng tôi đã sản xuất xong và chúng tôi đang tìm mọi giải pháp bán hàng để tránh trường hợp có nhiều hàng tồn và có dòng tiền để duy trì hệ thống”.
Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài, khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn. Với một nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và các đối tác thương mại quốc tế, kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu và đang chịu tác động giảm mạnh về cầu trên hầu như tất cả mọi mặt.
Mặc dù vậy, vẫn có những điểm sáng. Với mức tăng trưởng GDP của nước ta đạt 5,64% trong nửa đầu năm nay, cùng với việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” đang thể hiện sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cũng là dịp để doanh nghiệp cấu trúc lại hoạt động theo xu thế của thời đại. Đây cũng là phép thử đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động.
“Việc duy trì, trụ vững của doanh nghiệp và có thể phát triển sau đại dịch như thế nào, một mặt phụ thuộc vào môi trường kinh tế, nhưng một mặt phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn ngắn hạn này, điều quan trọng đối với doanh nghiệp là phải tiết giảm chi phí, cố gắng giữ công ăn việc làm cho người lao động bằng nhiều biện pháp. Đợt khủng hoảng này, thị trường thế giới sẽ được tái cấu trúc lại. Các nền kinh tế sẽ chú trọng bảo vệ thị trường trong nước nhiều hơn” - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Với sự hỗ trợ của các Hiệp hội, nhiều doanh nghiệp tích cực thay đổi và tìm kiếm các nguồn tín dụng có lãi suất thấp hơn từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, gói hỗ trợ của ngân hàng thương mại cũng như tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa dịch vụ mới. Cũng có những doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức bán hàng online, tập trung coi trọng củng cố nền tảng thương mại điện tử.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta đang thích ứng nhanh với thời cuộc. Đây cũng là điều mà nhiều người kỳ vọng ở lớp doanh nhân mới, những người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế cho đất nước./.