Lo lắng bao trùm
Rất nhiều các loại rau và hoa quả tươi tiêu thụ tại Mỹ được trồng tại nước ngoài. Năm ngoái, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thống kê, mỗi năm có khoảng 30% rau tươi và 55% hoa quả tươi tiêu dùng tại Mỹ được nhập khẩu.
Điều đó không có nghĩa là một nửa số táo, hoặc một phần ba số khoai tây đến từ nước ngoài. Một số loại quả như chuối được trồng hầu như toàn bộ bên ngoài nước Mỹ. Và việc nhập khẩu có xu hướng tăng lên hay giảm đi phụ thuộc vào thời điểm trong năm.
Nếu những quốc gia khác không thể sản xuất nhiều như bình thường, người Mỹ sẽ thấy ít hoa quả và rau củ trái mùa hơn. Và những loại thực phẩm trái mùa sẽ có thể đắt hơn.
Ecuador là nước xuất khẩu chuối nhiều nhất cho Mỹ - Ảnh CNN
"Việc thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá lên cao, và đương nhiên, bạn sẽ nhận được ít hơn", theo Andrew Muhammad, Giáo sư về Chính sách nông nghiệp, thực phẩm và tài nguyên thiên nhiên tại Viện Nông nghiệp thuộc Đại học Tennessee.
Thậm chí kể cả các nông trại nước ngoài không bị ảnh hưởng thì hàng nhập khẩu có thể bị giữ lại do thiếu hụt nhân công tại các cảng vận chuyển.
Theo ông Ed O'Malley, Phó Chủ tịch Cung ứng và Bán hàng tại Imperfect Foods, một đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hoá giảm giá, nơi bán những sản phẩm hạng thấp nhằm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm cho biết: "Nông dân hiện đang canh tác cho cuối vụ xuân – hè, họ đang băn khoăn xem nên trồng bao nhiêu mẫu rau diếp hoặc đậu xanh cho vụ tiếp theo?'"
Ông cũng chia sẻ, trước đại dịch, nhu cầu dịch vụ thực phẩm "rất dễ dự đoán". Nhưng hiện nay, khi những nhà hàng đóng cửa và các cửa hàng tạp hoá, siêu thị chứng kiến sức mua tăng vọt, người nông dân khó có thể biết họ sẽ bán được bao nhiêu và cho ai.
Việc không lên kế hoạch có thể làm trầm trọng hơn vấn đề lãng phí thực phẩm, khiến cho những người thiếu ăn khó tìm được thực phẩm hơn.
Tuy nhiên, một số thực phẩm đã được điều hướng thành công từ địa điểm này sang địa điểm khác. Công ty Baldor, tại thành phố New York, thường bán thực phẩm cho các nhà hàng, trường học và các cửa hàng dịch vụ thực phẩm khác. Hiện nay, công ty đang cung cấp dịch vụ giao hàng cá nhân.
Lo ngại về mất an ninh lương thực tại châu Phi
Sự bùng phát của virus corona đang gây ra quan ngại về mất an ninh lương thực tại châu Phi, khi một số quốc gia đã chứng kiến tình trạng tăng giá, mua sắm hoảng loạn và gián đoạn xuất nhập khẩu.
Đại dịch Covid-19 đang gây ra các gián đoạn nguồn cung thực phẩm - Ảnh: AFP
Ghana là một trong các quốc gia tại châu Phi cảm nhận rõ tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với hệ thống an ninh lương thực. Hơn 68 ca mắc bệnh đã được ghi nhận cho tới thời điểm hiện tại, với ít nhất 3 người tử vong tại quốc gia với dân số 30 triệu người này.
Tổng thống Akufo-Addo vào cuối tháng 3 đã tuyên bố đóng cửa biên giới trên không, trên bộ và trên biển của Ghana. Trước đó, ông đã chỉ đạo đóng cửa toàn bộ trường học từ cấp cơ sở đến đại học, đồng thời tuyên bố gói trợ cấp nền kinh tế trị giá 100 triệu đô la Mỹ.
Người dân hoảng loạn mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm để chuẩn bị bắt đầu cách ly tại nhà. Giá thực phẩm bị đẩy tăng vọt do các tin đồn rằng chính phủ đang chuẩn bị thông báo lệnh phong toả trên phạm vi toàn quốc, theo đó buộc tất cả người dân trừ những lao động thiết yếu phải ở nhà. Lệnh đóng cửa vẫn chưa xảy ra.
Một thông báo rằng các chợ sẽ bị đóng cửa để thực hiện khử trùng làm tăng thêm sự hoang mang, gây ra cơn sốt điên cuồng về rau, củ, gạo, thịt đông lạnh và các loại thực phẩm khác. Giữa những hàng xếp dài và tắc nghẽn nghiêm trọng tại các khu chợ, tờ báo thuộc sở hữu nhà nước Daily Graphic ghi nhận giá một số thực phẩm cơ bản đã tăng khoảng 20 - 33%.
Evans Okomeng thuộc Mạng lưới Nông dân Cử nhân cùng 2 nhà khoa học trẻ khác đã nhấn mạnh rằng tình trạng mua sắm hoảng loạn và giá thực phẩm tăng vọt đã "gửi đến tất cả chúng ra một cảnh báo rõ ràng rằng nguồn cung ứng thực phẩm đang gặp khó khăn trong thời điểm cam go này. Tình trạng này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp diễn". Hiện thực tàn khốc mà tất cả chúng ta phải đối mặt là Ghana gần như đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ mang tên an ninh lương thực và điều này cần được quan tâm đúng mức.
Nhóm này kêu gọi Bộ Lương thực và Nông nghiệp phác thảo một Kế hoạch An ninh Lương thực ứng phó với tình trạng khẩn cấp Covid-19. "Kế hoạch này cần đưa ra các chiến lược cụ thể để đưa thêm thực phẩm vào hệ thống trên cơ sở nhu cầu của từng thị trấn tại từng thời điểm cụ thể; đảm bảo giá thực phẩm không vượt khỏi tầm kiểm soát và tránh tình trạng tích trữ; trong khi tiếp tục thúc đẩy sản xuất thực phẩm trong thời gian một số nông dân không thể ra đồng thu hoạch và thương nhân không thể vận chuyển sản phẩm bởi mọi người đang phải cách ly tại nhà."
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng đã nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực trong một báo cáo cập nhật về tác động của virus Covid-19 đối với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.
"Chúng tôi biết rằng việc đóng cửa biên giới, cách ly, gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng thị trường có thể hạn chế khả năng tiếp cận của người dân với nguồn thực phẩm đa dạng/giàu dinh dưỡng, đặc biệt tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus hoặc đã bị tác động bởi mức độ mất an ninh lương thực cao," báo cáo nhấn mạnh.
Ghana chi khoảng 100 triệu đô la Mỹ mỗi tháng để nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu, những nơi cũng đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do sự bùng phát của virus.
Sự bùng phát của virus COVID-19 cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới cây điều, một loại cây xuất khẩu chính của Ghana. Rà soát của Thời báo Kinh doanh và Tài chính tại các khu vực trồng điều tại Ghana cho thấy giá bán điều thô của nông dân đã giảm 40 - 50%, do đó làm giảm thu nhập của người nông dân.
Sự lây lan của virus corona đã buộc các nhà nhập khẩu sản phẩm điều lớn nhất thế giới bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, phải cắt giảm nhập khẩu khi các nhà máy chế biến phải đóng cửa do lệnh phong toả. Điều này đang dẫn tới sự thừa cung, buộc giá sản phẩm điều trên thị trường quốc tế phải giảm 63% từ tháng 01/2020 cho tới nay.
Báo cáo FAO cũng chỉ ra "Chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nếu các biện pháp ứng phó không được triển khai nhanh chóng nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, giữ cho chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu tồn tại và giảm thiểu các tác động của đại dịch này đối với toàn hệ thống thực phẩm".
Đảm bảo các chuỗi cung ứng không bị ảnh hưởng Các chuỗi cung ứng thực phẩm phải được bảo vệ khỏi bất cứ biện pháp liên quan đến thương mại nào được áp dụng trong đại dịch Covid-19, những người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng các cơ quan sức khoẻ và thực phẩm của Liên Hợp quốc phát biểu vào ngày 31/3/2020. "Việc không chắc chắn về sự sẵn có của thực phẩm có thể gây ra một làn sóng hạn chế xuất khẩu, tạo ra sự thiếu hụt trên thị trường toàn cầu", theo Tổng Giám đốc WTO, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc Qu Dongyu. Những biện pháp này đặc biệt sẽ gây tổn hại cho các nước thiếu lương thực, các nước có thu nhập thấp cũng như hệ thống thu mua thực phẩm để cứu tế của các tổ chức cứu trợ - tuyên bố chung bổ sung thêm. Tại những thời điểm như thế này, cần phải có nhiều hơn, chứ không phải là hạn chế sự hợp tác quốc tế - tuyên bố nêu, đồng thời cho biết thêm rằng thông tin về các biện pháp thương mại liên quan lương thực, mức độ sản xuất thực phẩm, tiêu thụ và dự trữ, cũng như giá thực phẩm, nên được công bố theo thời gian thực cho tất cả mọi người. "Đây là thời điểm thể hiện sự đoàn kết, hành động có trách nhiệm và thực hiện các mục tiêu chung của tất cả chúng ta đó là tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, đồng thời cải thiện phúc lợi chung của cư dân trên toàn thế giới," - tuyên bố nhấn mạnh. Chúng ta phải bảo đảm dịch Covid-19 không vô tình tạo ra sự thiếu hụt không đáng có các mặt hàng thiết yếu và làm trầm trọng thêm nạn đói cũng như tình trạng suy dinh dưỡng. |