Kế hoạch kinh doanh được các NH trình lên ĐHĐCĐ thường niên năm nay dự kiến sẽ hoàn toàn mới so với những gì được công bố hồi đầu năm, vì những ảnh hưởng khó lường của Covid-19. Thậm chí, các ngân hàng đã xây dựng nhiều kế hoạch khác nhau, dựa trên nhiều kịch bản khác nhau.
Khách hàng giao dịch tại HDBank (Ảnh: IT)
Kế hoạch kinh doanh có thể phải “đập đi, xây lại” vì Covid-19
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank) đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 8% trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 1.506 tỷ đồng; tăng trưởng tổng tài sản là 12% lên 175,6 ngàn tỷ đồng. Huy động khách hàng và giấy tờ có giá tăng trưởng ròng xấp xỉ 15,3 ngàn tỷ đồng, tương đương 13,6%. Nợ xấu dưới 3%.
Tuy không đề cập đến những tác động có thể xảy ra bởi dịch Covid-19 nhưng nhà băng này vẫn xây dựng những kế hoạch khá chi tiết như: Tiếp tục tập trung và đẩy mạnh thu phí dịch vụ và các khoản thu ngoài lãi. Ngân hàng cũng sẽ cải thiện biên độ sinh lời các phân khúc, phát triển các sản phẩm đặc thù có hiệu quả và khả năng sinh lời cao. Đồng thời, chi phí hoạt động cũng sẽ được tối ưu hóa qua đầu tư công nghệ…
Trước đó, BIDV và Kienlongbank là 2 NH duy nhất đã tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên, trước khi có chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh 2 NH này trình lên cổ đông vẫn là trong kịch bản lạc quan nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kế hoạch kinh doanh này có thể sẽ phải “đập đi, xây lại” nếu diễn biến của dịch Covid-19 vượt tầm kiểm soát.
Tại BIDV, tại cuộc họp ĐHĐCĐ hôm 7/3, NH đã thông qua mục tiêu lợi nhuận ở mức 12.500 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng dự kiến 9%, huy động vốn mục tiêu tăng 9%. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, đây là kế hoạch kinh doanh trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều nhất chỉ kéo dài đến cuối tháng 3/2020.
Với tình hình hiện tại, chắc chắn kế hoạch kinh doanh của nhà băng này sẽ phải thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tương tự, KienLongBank cũng đặt mục tiêu kinh doanh bùng nổ trong năm 2020 và đã được cổ đông thông qua. Theo đó, nhà băng này đặt mục tiêu đạt 750 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 8,7 lần năm 2019. Tổng tài sản dự kiến tăng 12,72% đạt 57.600 tỷ, dư nợ tín dụng tăng 15,89% đạt 38.800 tỷ, huy động vốn tăng 13,14% đạt 52.500 tỷ.
Dù vậy, Kienlongbank cũng cho biết, kế hoạch lợi nhuận này được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất. Căn cứ vào tình hình thực tế, nếu diễn biến dịch Covid-19 vẫn kéo dài thì HĐQT sẽ có báo cáo đến ĐHĐCĐ để điều chỉnh phù hợp.
Ở hàng loạt NH khác, kế hoạch kinh doanh hiện đang bị… bỏ ngỏ, ngay cả với hai “ông lớn” quốc doanh là Vietinbank và Vietcombank. Tại Vietinbank, nhà băng này đang để ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận và chỉ đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lần lượt 4-8,5% và 5-10%. Tương tự, trong báo cáo thường niên 2019 được công bố, Vietcombank cũng không đề cập đến chỉ tiêu kinh doanh năm 2020.
Mới nhất, NHNN đã ra chỉ thị cho nhóm BIG4 (Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank) năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận, để dành cho vấn đề hạ lãi suất. Vì vậy, có thể chỉ tiêu kinh doanh năm nay của nhóm 4 nhà băng này sẽ thay đổi nhiều.
Một số nhà băng như VPBank, Sacombank, MBBank… chưa đưa ra chi tiết kế hoạch năm 2020 nhưng cho biết đều xây dựng các kịch bản riêng cho các tình huống dịch bệnh và sẽ trình ĐHĐCĐ sắp tới.
Cá biệt, đến thời điểm hiện tại chỉ duy nhất NamABank là NH đặt mục tiêu giảm lãi trước thuế năm 2020 với chỉ tiêu 800 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với năm trước dù huy động vốn và dư nợ tín dụng vẫn đặt chỉ tiêu tăng lần lượt 22% và 21%.
Lãnh đạo ngân hàng này nhận định kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, từ đó sẽ tác động rất lớn đến hầu hết các ngành nghề bao gồm cà ngành ngân hàng. Vì vậy, NamABank sẽ xác định duy trì mức tăng trưởng phù hợp tình hình thị trường và chú trọng củng cố nền tảng hoạt động…
Nợ xấu sẽ tăng mạnh?
Tính đến ngày 16/4, Việt Nam có 267 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 171 ca đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, để kiểm soát tốt dịch bệnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 15/4, có 12 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao tiếp tục thực hiện việc cách ly xã hội thêm 1 tuần đến ngày 22/4.
Và sau ngày này, việc tiếp tục thực hiện cách ly hay gỡ bỏ cách ly vẫn là dấu chấm hỏi vì còn tùy thuộc vào diễn tiến dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện tại các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh do khách hàng gặp khó khăn và việc thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm “cứu” doanh nghiệp của các NH sẽ khiến các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận. Chưa kể, việc giãn, hoãn nợ và giảm lãi, phí… cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các NH.
Chẳng hạn, theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán SSI, trong quý I/2020, nhiều NH sẽ tăng chi phí dự phòng để chuẩn bị cho việc nợ xấu tăng trong các quý sắp tới, chủ yếu ở nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV.
Còn theo Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, trong kịch bản xấu nhất (nếu dịch Covid-19 không được khống chế tính đến hết tháng 6/2020), thì lợi nhuận cả năm 2020 cho một số NH gồm VCB, ACB, MBB, VPB có thể giảm 10-29%.
Trong đó, VPB là ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất do có nhiều các khoản vay tài chính tiêu dùng, tiếp đến là MBB, ACB, và VCB. Sự sếp hạng này thể hiện thực tế rằng VCB và ACB là nhưng ngân hàng hiện có mức chống sốc cao, nghĩa là có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất (khoảng 180% mỗi NH), theo sau là MBB (110%) và VPB (50%).
Ngoài ra, theo công ty chứng khoán này, bị ảnh hưởng nhiều nhất trong kịch bản xấu sẽ là những NH có nhiều phân khúc khách hàng hạ nguồn (các DN vừa và nhỏ; khoản vay không đảm bảo, mảng tài chính tiêu dùng…) hoặc có sức chịu đựng thấp đối với các cú sốc về chất lượng tài sản (như là tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp) như BID, VIB, HDB và VPB…