Đó là nhận định của chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực tại Hội nghị áp dụng nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bình ổn sản xuất kinh doanh và kết nối vốn hậu Covid-19, được tổ chức chiều ngày 17/4.
Để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân vượt qua dịch bệnh, Chính phủ ban hành 4 gói hỗ trợ. Đó là, chính sách tiền tệ và tín dụng, chính sách tài khoá và an sinh xã hội.
Trong đó, chính chính tiền tệ và tín dụng được các tổ chức tín dụng triển khai như giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 1%-4,5%. Tính tổng các gói hỗ trợ mà ngành ngân hàng đã chia sẻ với doanh nghiệp (DN) hiện ở mức từ 28.000 – 30.000 tỷ đồng. Đây là tiền trích từ từ lợi của ngân hàng, không phải ngân sách.
Với gói tài khóa, Bộ Tài Chính đã đưa ra chính sách giảm, giãn tiền thuế, tiền thuê đất với gói hỗ trợ lên đến 180.000 tỷ. Số tiền này cuối năm sẽ thu lại, nhưng nhà nước hy sinh phần lãi gửi ngân hàng 180.000 tỷ đồng nhân với lãi suất 5%, chưa kể tiền nộp phạt chậm.
Như vậy, ngân sách Nhà nước đã hy sinh "tiền tươi thóc thật" chiếm khoảng 2,5% GDP để đồng hành cùng DN. Đây là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay.
Cũng theo tính toán của chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, tổng các gói hỗ người dân, doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ chiếm khoảng 550.000 tỷ đồng, tương đương với 8% GDP. Nếu so sánh với gói hỗ trợ của Mỹ trong đại dịch là 2.200 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP. Như vậy, gói hỗ trợ của Việt Nam không hề nhỏ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, ai là người đang được thụ hưởng từ những gói hỗ trợ? Trên thực tế, ông Hiếu cho biết, đối với gói tín dụng từ các NHTM, hiện nhiều DNNVV phàn nàn không tiếp cận được. Còn gói hoãn, giãn thuế thì cũng chưa hiệu quả, bởi nếu dịch vẫn còn phức tạp và kéo dài thì số lượng DN đóng cửa sẽ càng tăng. Lúc đó, có hỗ trợ DN cũng không hưởng thụ được.
Gói 62.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo an sinh xã hội đang phát huy tác dụng tốt, nhiều người nghèo, người lao động mất việc làm được hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Hiếu kiến nghị cần mở rộng quy mô của gói hỗ trợ này.
Trước thực tế trên, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị, để DN và người dân hấp thụ được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần sự vào cuộc từ 4 phía: Chính phủ, Cơ quan quản lý thực hiện, DN và người dân.
Cụ thể, Chính phủ ban hành các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng bộ ngành phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết như gói tín dụng cần cụ thể tiêu chí được vay, giãn nợ, quy mô DN lớn nhỏ như thế nào để xét duyệt vay…; Tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính.
"Với gói 62.000 tỷ mà không ứng dụng công nghệ thông tin thì việc triển khai sẽ rất khó khăn. Chính phủ áp dụng Mobile Money, chỉ cần số điện thoại, một ví điện tử thì tiền sẽ đến được người dân", ông Cấn Văn Lực cho hay.
Bên cạnh đó, DN cũng cần phải thay đổi. Sau Covid-19 thế giới sẽ thay đổi cực kỳ lớn, ứng dụng công nghệ số sẽ trở thành xu thế và có tính quyết định đến việc DN có nắm bắt được cơ hội vực dậy và phát triển hay không.