Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa công bố: Do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn 2 tuần đầu tháng 3/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cho tới thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm từ 20-50% đơn hàng do bị hủy, lùi đơn hàng hoặc do thiếu nguyên liệu.
Cụ thể, theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tháng 1/2020, gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cá tra bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ tháng 3, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang châu Âu – là thị trường tiêu thụ lớn của thủy sản Việt Nam. Tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại, dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn.
Xuất khẩu cá tra bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Đến giữa tháng 3/2020, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, Châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại.
Cho tới thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đều bị ảnh hưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu (ngoại trừ doanh nghiệp cá tra). Các đơn hàng phục vụ cho ngành dịch vụ thực phẩm (Food Service) cũng bị đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ...
“Đã có từ 20-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, lượng tồn kho tại cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu đều lớn, kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa, cho dù tại nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25-30% nhưng cũng không thể kích cầu”, báo cáo của VASEP cho biết.
Dù đã giảm giá để kích cầu, các nhà nhập khẩu tôm tại Mỹ và EU vẫn không thể bán hàng ra được khiến tồn kho tăng cao.
Tình hình tương tự này cũng đang diễn ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản. Nhiều doanh nghiệp đưa ra nhận định rằng, tháng 1/2020 mới là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn ách tắc trong hoạt động thương mại thủy sản. Từ tháng 3 này, khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt sẽ kéo theo những hệ quả nặng nề và ngày càng trầm trọng hơn.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho biết, Trung Quốc đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam, chiếm tới 98% tổng giá trị xuất khẩu.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nước này, việc hạn chế xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đã khiến cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này bị chậm trễ, khiến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng do phải tăng lưu kho, tồn kho.
Dịch Covid-19 tại Trung Quốc cũng khiến các doanh nghiệp thiếu cá ngừ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Không những vậy, việc này có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu cá ngừ. Với gần 300 tàu đang hoạt động, Trung Quốc đang là nước có đội tàu lớn nhất thế giới, đồng thời thời là 1 trong 5 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường thế giới.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho Việt Nam, chiếm 7% tổng nhập khẩu cá ngừ năm 2019. Mặc dù cuối năm 2019, giá cá ngừ nguyên liệu ở mức thấp nên doanh nghiệp đã chủ động nhập dự trữ cá ngừ nguyên liệu nhưng với tình hình như hiện nay, về lâu dài các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá ngừ có thể sẽ bị thiếu nguyên liệu.