Anh Nguyễn Minh Lộc, chủ vựa xoài Minh Lộc (Chợ Mới, An Giang) cho biết, giá xoài bắt đầu giảm mạnh từ cuối tháng 1 đến nay do thị trường Trung Quốc đóng cửa.
Giá xoài giảm mạnh từ cuối tháng 1 đến nay
Xoài Đài Loan xanh loại 1 tại vựa hiện có giá 8.000 đồng/kg, loại 2 giá chỉ 4.000 đồng/kg. Giá xoài Đài Loan vàng cao hơn loại da xanh 1.000 đồng/kg.
Tại khu vực Tây Nguyên, giá xoài cũng đang giảm sâu. Giá xoài Đài Loan xuất khẩu tại huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) giá chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái chỉ đến thu mua rất nhỏ giọt, nhiều vườn không có người mua, phải cắt từng thùng gửi xuống TP.HCM hoặc về các tỉnh để bán lẻ, thay vì xuất khẩu như trước đây.
Theo Cục Trồng trọt, tình hình tiêu thụ xoài của Việt Nam rơi vào thế ảm đạm nhất trong nhiều năm qua. Các năm trước, trung bình mỗi tháng, các đơn vị thu mua và xuất khẩu 500 tấn xoài. Hiện tại, con số này đã giảm xuống còn khoảng 100 tấn, không có đơn hàng nào từ Trung Quốc.
Thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá xoài Đài Loan loại 1 là 20.000 đồng/kg, nhưng hiện chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg. Giá xoài cát chu giảm từ hơn 20.000 đồng/kg thời điểm trước Tết Nguyên đán, xuống còn 12.000 - 17.000 đồng/kg.
Dịch bệnh ở Hàn Quốc khiến tình hình xuất khẩu xoài ngày càng ảm đạm.
Năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu xoài lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên kim ngạch hiện đã giảm đáng kể, chỉ còn 71,7% so với mức 83,7% của năm 2018.
Tình hình chưa mấy khả quan thì mới đây, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại Hàn Quốc. Các hãng hàng không bị cấm bay đến nước này nên việc xuất khẩu xoài theo đường hàng không cũng bị đình trệ. “Các hợp đồng phần lớn đã bị hủy”, anh Minh Lộc kể.
Ông Tổ Minh Tri - Phó Trưởng phòng Kế hoạch (Sở NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp - cho biết, việc tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng để mở rộng thị trường là cần thiết lúc này.
Với diện tích trồng hơn 9.600ha, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích xoài lớn nhất ĐBSCL. Địa phương này cũng đã đăng ký được nhãn hiệu cho xoài Cao Lãnh và xoài Cát Chu Cao Lãnh.
Đồng Tháp thực hiện tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng để mở rộng thị trường
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến việc khó khăn trong cung cấp số lượng lớn, sản phẩm không đồng nhất, chi phí sản xuất cao, tỷ lệ hao hụt lớn, giá trị gia tăng chưa được chú trọng... Hoạt động thương mại quanh trái xoài vì thế vẫn gặp không ít khó khăn.
Những điểm yếu này nếu không được khắc phục sớm sẽ khó mở rộng được thị trường. Ngay như việc cấp mã số vùng trồng, toàn tỉnh đã có 82 mã với diện tích 4.500ha cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên ở các thị trường khó tính hơn gồm Mỹ, Úc, Newzealand, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Chile, chỉ mới có 19 mã số vùng trồng với 375,8ha.
Hoạt động thương mại đối với trái xoài hiện đang ảm đạm, giá giảm sâu. “Đồng Tháp đang đẩy mạnh thực hiện tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, giải phóng mặt bằng để thu hút doanh nghiệp đầu tư hệ thống logistics như xử lý sau thu hoạch, chế biến, bảo quản... để nâng cao giá trị cho cây xoài”, ông Tổ Minh Tri nói thêm.