Ông Hiển cho biết dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến cả kinh tế vĩ mô lẫn vi mô. Vậy BĐS có bị ảnh hưởng không? Câu trả lời là có, không thể nói là không bị ảnh hưởng được. Trong đó, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, kéo theo sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành liên quan như: hàng không, khách sạn, ăn uống, thương mại bán lẻ…
Tuy nhiên, thị trường và nền kinh tế nào cũng vậy, đều có chu kỳ: đi lên, đi ngang và đi xuống, tùy thuộc vào thực tế của thị trường. 5 năm qua,thị trường BĐS đã phát triển khá tốt, còn hiện nay thì đang đi ngang, cộng với dịch bệnh bùng phát trở lại cũng làm giảm đi làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Hiển ở một khía cạnh nào đó, đây lại là cơ hội cho những người có nhu cầu thực. Bởi, đầu tư trong giai đoạn này sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư dự án. Những người có nhu cầu ở thực còn có cơ hội để mua được BĐS với giá cả hợp lý và không sợ bị ảnh hưởng bởi giới đầu cơ hay đầu tư lướt sóng.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Hiển xung quanh những ảnh hưởng của Covid-19 đến thị trường BĐS.
Thưa ông, ông có cho rằng, dịch Covid-19 sẽ làm suy yếu doanh nghiệp BĐS trong nước?
Có thể nói, đây gần như là bước thử với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quỹ đất hạn chế, hoặc doanh nghiệp không có thế mạnh về tài chính, phụ thuộc vào nguồn thu ngắn hạn. Đối với MIKGroup, chúng tôi đã có sự chuẩn bị về phương án dự phòng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Đây là thời điểm chúng tôi tập trung nhiều hơn trong vấn đề phát triển sản phẩm, dịch vụ; nghiên cứu và tìm hiểu thêm về thị trường, nhu cầu khách hàng.
Hệ lụy tiêu cực của dịch bệnh đối với thị trường BĐS kéo dài trong bao lâu, thưa ông?
Với nhiều năm kinh nghiệm ở vai trò một chuyên gia BĐS, tôi đánh giá, dịch bệnh ảnh hưởng ngay đến mảng thương mại dịch vụ. Còn về BĐS thì ai cũng có nhu cầu ở và mức ảnh hưởng có thể gián tiếp hơn. Tuy nhiên, việc đánh giá hệ lụy của dịch bệnh lên thị trường BĐS còn phụ thuộc nhiều vào việc phòng chống dịch bệnh của cả nước. Thời gian dịch bệnh càng kéo dài, hệ lụy sẽ càng lớn.
Ông có lời khuyên nào đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân trong bối cảnh này?
Theo tôi, ở một khía cạnh nào đó, đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có dự án bởi theo thống kê năm 2020 không có quá nhiều nguồn cung. Thị trường chắc chắn sẽ nhận được các sản phẩm có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn nhiều so với trước kia.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý đến các yếu tố: uy tín chủ đầu tư, thiết kế, dịch vụ, chất lượng xây dựng và nhà quản lý vận hành…
Trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS nghỉ dưỡng có khá nhiều biến động. Về bản chất thì các chuyên gia, đơn vị tư vấn đều nhìn trước được bài toán đó. Bởi nó không phải là bài toán mới trên thế giới. Với câu chuyện của Condotel vừa qua chỉ là câu chuyện "case study" của một doanh nghiệp chứ không phải của cả thị trường. Đó chính là cơ hội thanh lọc thị trường.
MIKGroup có chuẩn bị một phương án kinh doanh trong trường hợp thị trường xấu đi vì ảnh hưởng của dịch bệnh?
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi như mấy ngày qua, cả quốc gia phải cùng chung tay chứ không chỉ là việc của mỗi doanh nghiệp. Tất nhiên, với doanh nghiệp, khi thị trường xấu đi thì phải có những phương án dự phòng cho mình.
Tại MIKGroup, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước nên chỉ cần điều chỉnh một chút chiến lược kinh doanh cho phù hợp hơn với thực tế. Mặc dù thời gian qua, x thị trường gặp không ít khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực để đưa các dự án đi vào hoạt động đúng kế hoạch cam kết với khách hàng. Điển hình là dự án Mövenpick Resort Waverly Phú Quốc đã mở cửa đón khách từ ngày 1/3/2020. Chúng tôi muốn chứng minh cho nhà đầu tư thấy năng lực của mình bằng sản phẩm thực tế chứ không chỉ là những cam kết trên giấy.
Cảm giác dường như MIKGroup vẫn khá lạc quan với thị trường?
Ở góc độ kinh doanh và bản thân tôi là một chuyên gia về BĐS nên tôi cũng có những nghiên cứu riêng của mình. Theo những nhận định và thống kê gần đây, các sản phẩm đưa ra thị trường vẫn có tính thanh khoản khá tốt. Nhưng với thị trường đang phát triển như Việt Nam, có thể xảy ra khủng hoảng cục bộ ở một vài địa phương chứ không xảy ra trên diện rộng cả nước.
Do vậy, chúng ta có thể thấy trong lúc kinh tế khó khăn thì nhiều dự án vẫn có tính thanh khoản tốt. Chỉ tiếc rằng, tâm lý của nhà đầu tư Việt hiện nay vẫn thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng mà quên mất rằng, muốn thu lợi nhuận cao từ bất động sản thì phải đầu tư dài hạn. Thực tế chứng mình rằng, 40 năm qua, giá BĐS chưa một lần giảm, nên tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư rằng, chỉ nên nhắm vào đầu tư trung hoặc dài hạn.
Theo ông thị trường BĐS thời gian tới sẽ diễn tiến như thế nào?
Tôi nghĩ sau giai đoạn này thị trường sẽ có những thay đổi tích cực ở từng phân khúc, từng thị trường riêng. Chẳng hạn như BĐS nhà ở, người ta sẽ quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh, an toàn cho cư dân. Tức là sẽ có sự trưởng thành của thị trường.
Là một chuyên gia BĐS có kinh nghiệm, ông có thông điệp nào tới các nhà đầu tư cá nhân để họ yên tâm rót vốn vào bất động sản lúc này?
Tôi nghĩ các nhà đầu tư BĐS cá nhân thì không nên đầu tư quá sức mình. Nghĩa là nếu có 10 đồng thì không nên đầu tư đến 8 đồng. Nhưng cũng không có nghĩa là không đầu tư.
Chúng tôi luôn đúc kết rằng, những lúc thị trường đi ngang thì rủi ro luôn đi kèm với cơ hội.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 mấy ngày qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Chỉ những người thực sự có nhu cầu về nhà ở mới bỏ tiền ra mua bất động sản lúc này, còn giới đầu tư thì nhiều khả năng chưa thể xuống tiền.
Tuy nhiên, theo nhận định của cá nhân tôi cũng như một số chuyên gia thì ảnh hưởng của dịch bệnh lần này không tạo ra mối nguy hiểm quá lớn cho thị trường BĐS. . Thậm chí, nếu nhìn ở góc độ tích cực thì nhiều người sẽ mua được nhà nhờ giá bán có thể được điều chỉnh giảm. Đó cũng là một điểm tốt cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính: Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:
Nếu nói dịch bệnh không tác động đến thị trường là không đúng. Trước mắt, chắc chắn nó đang khiến thị trường chững lại bởi bất động sản không như hàng hóa thông thường, có thể mua nhanh bán nhanh, mua online… mà cần có sự tư vấn kỹ càng của bên bán hàng cũng như các đơn vị tư vấn, trong khi hiện nay do gấp rút phòng chống dịch nên những hoạt động này không thể triển khai.
Về lâu dài, thị trường ổn định.