Đại dịch ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn có điểm sáng cho các doanh nghiệp dùng kênh trực tuyến để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo một khảo sát gần đây, hầu hết người mua trên thế giới đang tìm nguồn cung cho sản phẩm thông qua các công cụ tìm kiếm hoặc các nền tảng thương mại điện tử.
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến "New and Now 2020 Go Export", ông Kuo Yiling, Trưởng đại diện Châu Á Thái Bình Dương Alibaba cho hay: "Với lưu lượng truy cập tăng trưởng trên 40% qua từng năm, tính đến nay, gần 20 triệu người mua từ hơn 200 quốc gia và lãnh thổ đã dò hỏi hoặc yêu cầu báo giá trên Alibaba.com.
Các nhà cung cấp tại Việt Nam của chúng tôi đã đăng tải 600.000 sản phẩm lên nền tảng và bình quân trong 30 ngày nhận được 50.000 yêu cầu báo giá trên toàn thế giới. Những ngành công nghiệp địa phương nổi trội như thực phẩm (F&B), nhà ở và sân vườn, kiến trúc đã có sự phát triển ấn tượng".
Sau hơn 10 năm tại Việt Nam, hàng ngàn doanh nghiệp đã phát triển thành công trên nền tảng thương mại điện tử B2B Alibaba.com. Thống kê, số lượng nhà cung ứng cao cấp (gold supplier) tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, đồng thời khả năng cung cấp hàng hóa cạnh tranh và chất lượng nhân viên ngày càng thành thạo hơn. Đặc biệt giữa đại dịch, những doanh nghiệp sẵn sàng cho kinh doanh trực tuyến sẽ có lợi thế hơn cả.
Với quan điểm SMEs đang trở thành "nhân tố sống còn" của một nền kinh tế, Alibaba.com đang thực hiện các bước giúp các "nhân tố" vượt qua giai đoạn đầy thách thức này. "Chiến lược của chúng tôi là giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn ra thế, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đang làm mới các triển lãm thương mại trực tuyến để đảm bảo người mua có thể tìm thấy nhà cung cấp thông qua các video, họp trực tuyến và truyền hình trực tuyến. Thêm nữa, cung cấp tất cả các loại công cụ cho phép nhà cung cấp số hóa các sản phẩm, chương trình khuyến mãi và dịch vụ của họ để các thông tin này có thể được dễ dàng tiếp cận bởi người mua trên toàn cầu", CEO cho hay.
Bổ sung, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch VECOM khẳng định ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh đang được quan tâm và triển khai rất mạnh mẽ. Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt dự án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể đăng ký kinh doanh, nộp thuế và thực hiện nhiều thủ tục khác bằng chữ ký điện tử.
Trên vai trò doanh nghiệp, tham gia tham luận, bà Ngô Thị Thanh Hiền, Phó giám đốc Công ty công nghiệp Ameco nhấn mạnh: Có lẽ hơi lạc quan nhưng tôi phải nói rằng đây là thời điểm vàng; khi mà hiện nay các khách hàng không còn cách nào khác là buộc phải ngồi trước màn hình máy tính để tìm sản phẩm.
Được biết, Ameco là một trong những công ty cơ khí tại Việt Nam, khẳng định chuyển đổi kỹ thuật số là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Công ty đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên từ nước ngoài thông qua Alibaba.com và hiện nay 70% sản lượng của Ameco đang được xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Hay bà Lã Kim Nhung, người sáng lập IMITI CO., LTD cũng đã chia sẻ câu chuyện phát triển công ty nội thất của mình. Bắt đầu chỉ với 5-10 nhân viên, hiện công ty đã mở rộng kinh doanh ra hơn 10 quốc gia nhờ vào nền tảng Alibaba.com. Theo bà, các doanh nghiệp cần đấu tranh vì tương lai kỹ thuật số.
Kinh doanh trong lĩnh vực đồ gỗ, bà Nhung cho biết 2 tháng dịch bệnh vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến lượng yêu cầu báo giá. Trong đó, Việt Nam đang là lựa chọn của một số khách hàng trong bối cảnh hiến tranh thương mại và dịch bệnh ở Trung Quốc, họ cần tìm kiếm nguồn cung ứng bổ sung để giảm thiểu rủi ro kinh doanh.