Lao đao vì thiếu nguyên liệu
Ông Đỗ Duy Bằng - Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam tại Thái Bình cho biết: “Những năm trước, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4, chúng tôi xuất sang Lào khoảng 500 tấn ngô giống. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngô thương phẩm của Lào không xuất sang Trung Quốc được nên lượng ngô giống xuất sang Lào rất ít, ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng”.
Các doanh nghiệp kinh doanh con giống gia cầm đang chịu cảnh ế ẩm chưa từng có. Trong ảnh, anh Nguyễn Đức Lập (thôn Đoài, Kim Nỗ, Đông Anh, HN) chăm sóc đàn gà mới nở trong trang trại của mình). Ảnh: Trần Quang
"Dịch Covid-19 đã có những tác động to lớn đến xuất khẩu nông sản, nhất là khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu để phòng ngừa dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp, nông dân đã có những cách làm sáng tạo, mở rộng chế biến để đa dạng hóa thị trường. Chúng tôi xác định dịch bệnh lần này cũng là dịp tái cơ cấu lại ngành theo hướng đẩy mạnh chế biến sâu, giữ tỷ lệ hợp lý tiêu thụ sản phẩm tươi để chủ động về mặt thị trường”. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường |
Đối với ngành chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) đã tăng khoảng 5% so với tháng 2, nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất và tăng giá sẽ xảy ra trong thời gian tới. Trong bối cảnh tổng đàn gia cầm đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, đàn trâu, bò đang phát triển, nhu cầu vaccine, thuốc thú y, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh rất lớn.
Theo nhận định của lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất trong nước, các mặt hàng trên đã và đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt, bị găm hàng, tăng giá do hầu hết nguyên liệu đều phụ thuộc vào Trung Quốc.
Do khan hiếm và phải mua nguyên liệu sản xuất TACN ở mức cao nên mới đây Công ty Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam (Nam Định) buộc lòng phải thông báo điều chỉnh tăng giá với các mã sản phẩm như loại đậm đặc và cám cá tăng 200 đồng/kg; loại thúc ăn hỗn hợp lợn thịt tăng 250 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp gia cầm (vịt, gà) và hỗn hợp nái chửa, đẻ có mức tăng cao nhất là 350 đồng/kg.
Trao đổi với PV NTNN, ông Mai Thanh Diệu - Giám đốc Công ty Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam cho hay: “Hiện, công ty của chúng tôi đang phải chịu giá nguyên liệu đầu vào cao như ngô, khô đậu tương, bã ngô... nhập khẩu về qua các nhà phân phối đều tăng khoảng 500 - 1.000 đồng/kg".
Đặc biệt, các nguyên vật liệu khác như vi lượng trước đây thường nhập về từ Trung Quốc nhưng đến giờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập sản phẩm qua các đầu mối khác với giá thành cao gấp đôi và còn khó mua được hàng.
Theo ông Diệu, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất TACN tại Việt Nam gặp khó mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trên thế giới đều đau đầu về vấn đề này. Bởi hiện nay, trên 80% nhà máy sản xuất vi lượng đang nằm tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cơ cấu lại khoản vay
Để cầm cự được trong đại dịch, các doanh nghiệp sản xuất TACN, thuốc thú y kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách bổ sung đặc biệt nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp; chỉ đạo ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, hoạt động tư vấn, thông tin đến khách hàng về điều kiện tiếp cận vốn vay và trả nợ tín dụng ngân hàng…; ngành tài chính xem xét miễn, giãn, giảm thuế và hoàn thuế VAT... cho các doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì kinh doanh do dịch Covid-19.
Do việc tiêu thụ giống gia cầm, thủy cầm gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp, công ty kinh doanh con giống đã phải giảm công suất, sản lượng ấp nở để "cắt lỗ". Trước kia khi vào mùa, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống gà của bà Phạm Thị Thơm ở Phú Xuyên (Hà Nội) đưa ra thị trường hàng chục vạn con, có thời điểm "cháy hàng", các lò ấp nở không kịp phục vụ khách hàng.
Để thích nghi được với tình hình hiện tại, bà Thơm đã phải cắt giảm bớt nhân công, tạm dừng một số lò ấp nở và bán thêm các quả trứng gà lộn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tặng kèm trên 100 quả trứng gà lộn nếu khách hàng mua số lượng gà giống trên 1.000 con.
"Nếu tình hình dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài thì các doanh nghiệp sản xuất giống cũng có thể sẽ phải dừng hoạt động hoặc phá sản" - bà Thơm lo lắng.
Trái cây, thủy sản phục hồi
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lại bắt đầu tìm thấy ánh sáng khi thị trường Trung Quốc tăng mua trở lại khi dịch Covid-19 tạm lắng.
Đại diện Công ty Vina T&T Group thông tin, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lây lan sang các nước châu Âu, xuất khẩu trái cây rơi vào thế khó khăn. Trong tháng 3, xuất khẩu trái cây của công ty này giảm đến 70% so cùng kỳ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường bắt đầu có những tín hiệu cực. Vina T&T Group dự báo trong khoảng 2 tuần tới, mức sụt giảm của doanh nghiệp sẽ chỉ còn khoảng 50% so với trước.
Theo vị này, trái cây cũng là một trong những thực phẩm thiết yếu. Dù có tiết kiệm chi tiêu thì sau một thời gian ở trong nhà, người tiêu dùng vẫn sẽ tìm cách đặt mua để sử dụng. Dịch bệnh lây lan đã khiến việc đi lại, mua sắm có phần hạn chế nhưng sau đó, nhiều người tìm đến các kênh mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nhà. Sức tiêu thụ nhờ đó dần phục hồi.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 3, xuất khẩu hàng rau quả đạt 152,5 triệu USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 3 đạt 300 triệu USD, tăng hơn 18% so với tháng trước.
Tương tự, mặt hàng cá tra cũng có dấu hiệu khởi sắc. Nửa đầu tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, kể từ tháng 2/2020, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã khởi động trở lại và hoạt động xuất khẩu đang dần trở lại bình thường.
Chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2/2020 trước đó. Nếu tốc độ xuất khẩu tăng như dự đoán, một số doanh nghiệp xuất khẩu các tra tự tin nhận định rằng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40-50%.
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao: Sản lượng phân bón tiêu thụ giảm 70%, tồn kho cao “Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất nặng nề đến cả sản xuất và tiêu thụ phân bón, khiến chúng tôi phải hoạt động cầm chừng. Hiện lượng phân bón tiêu thụ trong tháng 3 đã giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành lệnh cách ly toàn xã hội thì hầu hết các đại lý ngừng nhập hàng, các công ty vận tải ngừng hoạt động. Đối với sản xuất tại nhà máy, chúng tôi chưa thể ngừng các dây chuyền vì muốn đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, một số nguyên liệu đầu vào đang gần cạn như SA, do không thể tiếp tục nhập khẩu từ Trung Quốc, ngược lại, nhà máy sản xuất axit thì phải giảm tải do không bán được hàng. Các mô hình trình diễn phân bón, hội thảo, hội nghị khách hàng… đều phải dừng triển khai. Điều này khiến lượng phân bón tồn kho các loại đã tăng lên gần 200.000 tấn. Hiện Lâm Thao cũng đã có văn bản kiến nghị hỗ trợ lãi suất ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, hỗ trợ đóng bảo hiểm cho người lao động…”. Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX Lâm San (Đồng Nai): Nhu cầu đặt hàng từ châu Âu vẫn tăng “Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lâm San được thành lập năm 2014 với 30 hộ trồng tiêu ở địa phương, diện tích canh tác khoảng 50ha, đến nay HTX đã có 721 hộ trồng tiêu với tổng diện tích 877ha. Với dịch Covid-19, HTX ít bị tác động nhưng ảnh hưởng về logistics. Hiện tại, nhu cầu đặt hàng HTX Lâm San từ châu Âu đang tăng, chứ không giảm vì dịch Covid-19. Nhưng do việc kiểm soát kỹ nên thay vì xuất khẩu 10 chuyến, nay chỉ còn 7-8 chuyến. Mới đây, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA và và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Nhưng điều EU quan tâm là vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu. Nếu làm tốt điều này sẽ không lo bị tác động bởi điều gì cả”. Minh Huệ - Khương Lực (ghi) |