Hiện tượng ứng dụng trên internet cứ “xoay vòng vòng” bắt đầu xuất hiện từ hồi giữa tháng 3 khi các trường học bắt đầu mở mô hình dạy trực tuyến, người lao động bắt đầu làm việc tại nhà nhiều hơn… Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ thông tin và Truyền thông), lưu lượng truy cập internet tại Việt Nam trong tháng 3 đã tăng mạnh so với tháng 2 là 90%. Đại diện của Viettel Telecom cũng xác nhận, nhu cầu về internet trong tháng 3 tăng đột biến do khách hàng cần đường truyền để học tập, làm việc, tìm kiếm thông tin, giải trí...
Không cần giảm cước, chỉ cần nâng băng thông
Câu chuyện internet chậm không là chuyện riêng của nhà cung cấp nào, kể cả nhà mạng được khách hàng đánh giá là “chạy phà phà” như Viettel cũng bị nhiều khách hàng càm ràm.
Nhiều khách hàng càm ràm tốc độ internet thấp nên nhiều ứng dụng bị treo! Ảnh: Trọng Hiền
Ông Bằng (Q.5, TP.HCM) ta thán: “Ban ngày internet VNPT chậm lắm. Ngày 23/3, công ty bắt đầu cho làm việc tại nhà mới biết internet chậm như thế nào. Nhiều khi đang họp là mạng treo, vậy là phải vào lại từ đầu nhưng đâu có dễ, cứ “chạy vòng vòng”. Có những lúc làm việc với đối tác vào nửa đêm cũng tệ y chang. Chắc lúc đó nhiều người cũng làm việc, coi phim, chơi game… hay sao á”.
Ông An (Tân Bình, TP.HCM) nói với Dân Việt: “Từ khi xài tới giờ đã 5 năm, nay mới thấy xuất hiện chuyện mạng chậm như rùa. Làm đủ trò mà không thể khắc phục hiện tượng này. Chắc chắn là nhà mạng quá tải khi số người truy cập mạng cùng lúc quá lớn, dẫn đến hiện tượng nghẽn đường truyền”.
Kể từ lúc lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh, với nhiều người, công cụ kết nối với xã hội là mạng internet và sóng di động. Ông Tấn Sang (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, “đã hơn 80 ngày qua không ra khỏi nhà, tất cả mọi thứ đều qua mạng internet của FPT Telecom và sóng di động của Viettel”. Ông Sang xác nhận: “Gần đây, mạng internet của FPT quá chậm, không làm được gì, nhiều lúc phải nhờ sóng 4G của Viettel hỗ trợ”.
Từ giữa tháng 3/2020, mạng internet đã bị quá tải vì có nhiều người cùng lúc vào mạng nên không thể tải dữ liệu. Ảnh: Trọng Hiền
Ông Phạm Bằng, ông Sang, ông An và nhiều khách hàng sử dụng internet của các nhà cung cấp dịch vụ internet nói với Dân Việt rằng, “lúc này không mong nhà cung cấp giảm cước hay tặng thêm các gói cước mà chỉ cần nâng băng thông đủ rộng để ứng dụng trên mạng internet chạy mượt hơn”.
Tùy theo sức!
Trước những bức xúc của khách hàng và yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cộng vào đó là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc “cách ly xã hội” có hiệu lực từ 0g ngày 1/4 ngày càng khắt khe hơn, các nhà cung cấp dịch vụ internet bắt đầu “xả cảng” băng thông bằng hình thức nâng gấp đôi so với băng thông của gói cước đã đăng ký trước đó hoặc nâng từ thấp lên cao hơn...
Ngày 1/4/2020, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ internet đầu tiên nâng băng thông lên gấp 2 lần mà không tăng giá cho toàn bộ khách hàng đang sử dụng dịch vụ cáp quang (FTTH) trên toàn quốc. Trước đó gần 1 tuần, nhà mạng này đã điều chỉnh băng thông cho một số thuê bao có nhu cầu cao.
Nhân viên của Viettel Telecom xuống đường hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng. Ảnh: Cẩm Thủy
Ngày 3/4, VNPT đã loan báo sẽ nâng tốc độ internet tối thiểu lên 50Mbps cho tất cả khách hàng đang sử dụng gói internet hoặc gói tích hợp internet – truyền hình có tốc độ dưới 50Mbps mà không tăng giá. Nhưng theo nguồn thông tin riêng, vì mức nâng trên chưa thỏa đáng nên vào đầu tuần sau, mức nâng tốc độ mới được công bố. Nguồn tin riêng cho Dân Việt biết, mức nâng tốc độ tối thiểu của VNPT trong thời gian này có thể là 60Mbps. Hiện tốc độ của gói cước internet thấp nhất của VNPT là 26Mbps (gói Home TVS, tích hợp internet và truyền hình).
Đồng hành cùng các nhà mạng khác, FPT Telecom sẽ chính thức hỗ trợ khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet, bắt đầu vào ngày 6/4. Nguồn tin riêng từ FPT Telecom cho biết, về băng thông, nhà cung cấp này sẽ không “tăng gấp đôi” như hai nhà mạng trên, nhưng thay vào đó, sẽ có nhiều hình thức bù cho khách hàng những ưu đãi về dịch vụ nội dung gồm truyền hình internet, FPT Play…
Viettel tuyên bố sẽ thực hiện ưu đãi trên từ tháng 4 cho đến khi nào Chính phủ công bố hết dịch. Còn VNPT dự tính ưu đãi trên sẽ thực hiện trong 3 tháng, kể từ tháng 4. Riêng FPT Telecom chưa xác định thời gian của những ưu đãi trên. Họ đang tính, sẽ chốt vào ngày thứ hai (6/4).