Tay không ngừng rảo liên tục mớ ruốc cho đều nắng, bà Nguyễn Thị Xuân (62 tuổi), trú ở làng cá Mân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) mắt vẫn không rời khỏi sạp ruốc nói nhỏ với chúng tôi: “Mấy bữa trước tôi còn kéo xe nước ra bán, bây chừ thì ngồi phơi ruốc. Sống mấy chục năm, lần đầu tiên thấy cảnh tượng này”.
Bà Xuân kể, một tháng trở lại đây, các hộ dân nghỉ làm hoặc mất việc vì dịch Covid-19 bỗng kéo nhau ra phơi ruốc, từ già đến trẻ, đàn ông đến đàn bà, cũng là để kiếm đồng ra đồng vào trang trải chi phí sinh hoạt.
“Ông trời còn thương cho ruốc năm nay được mùa. Người nhiều tiền thì đi đánh, đi bắt mà có, ít tiền thì đi xin về phơi. Dắt díu nhau qua mùa dịch”, bà Xuân than thở.
Những mẻ ruốc phơi được nắng, chuyển màu đỏ au.
Độ 9h sáng, mặt trời lên cao, cũng là lúc người dân ở các phường ven biển Thọ Quang, Mân Thái mang ruốc ra phơi. Tận dụng khoảng vỉa hè ít người qua lại, người dân trải những tấm bạt, lưới để phơi ruốc khô hoặc làm mắm. Ruốc phơi khô được người dân bán luôn tại chỗ lấy tiền đi chợ chiều.
Ông Lê Đinh (phường Thọ Quang) cho biết, nhá nhem tối là thuyền thúng của ngư dân ra khơi, chong đèn xuyên đêm bắt ruốc. Ruốc bắt được trong đêm đựng vào những thùng nhỏ, đến khoảng 3-5h sáng thì ruốc được ngư dân đưa vào bãi ngang ven biển đặng kịp bán buổi sáng bán cho các thương lái.
“Bán không hết thì ngư dân đem chế biến thành nhiều kiểu như ruốc khô, mắm ruốc... cất trữ lâu ngày mà không sợ bị hư. Ruốc khô có giá bán dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, mắm thì dao động khoảng 80.000-100.000 đồng/lọ. Người mua bây giờ hầu hết là người dân địa phương. Họ mua về trữ rồi lấy ra chế biến thành nhiều món ăn để đỡ đi chợ trong mùa dịch” ông Đinh nói.
Ruốc khô với giá bán dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, mắm ruốc thì dao động từ 80.000-100.000đồng/lọ.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chị Nga (phường Thọ Quang) ngày nào cũng tất bật đi phơi ruốc làm mắm thuê với tiền công 200.000 đồng/ngày.
“Ruốc về đến bờ, chúng tôi phải rửa thật sạch, loại bỏ tạp chất rồi mang đi phơi. Những ngày nắng to thì phơi rất nhanh, cứ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ thì đảo mặt ruốc. Đối với mắm ruốc, ruốc sau khi rửa sẽ được xay nhuyễn với muối phơi từ 2-3 ngày liền đến khi nào ngửi được vị chua chua, mặn mặn là ruốc đã đạt. Mùa dịch mà có việc để làm thì cũng xem như may mắn”, chị Nga cười nói.
Đối với nhiều gia đình tại đây, làm ruốc đã trở thành nghề gia truyền. Hộ ông Thái Nghĩa (Sơn Trà, Đà Nẵng), một ngư dân làm nghề đánh bắt ruốc và sơ chế ruốc lâu năm tại phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) cho hay, làm ruốc nhìn thì thấy dễ nhưng để ruốc ngon lại rất khó, đòi hỏi nhiều công đoạn và sự tỉ mỉ.
“Những năm được mùa ruốc như năm nay, cả làng cá mọi người lúc nào cũng tất bật với ruốc. Cả ngày phải vá lưới, chuẩn bị vợt, thuyền… và gọi bạn (lao động) đi cùng. Sau một đêm thức trắng để đánh bắt, ngay trong sáng sớm hôm sau phải đưa ruốc vào bờ kịp bán cho các thương lái vận chuyển đi các nơi. Cực nhưng quen, nhìn nhỏ bé như vậy chứ mùa dịch này bà con đều dựa vào nó cả”, ông Nghĩa chia sẻ.
Người dân vùng ven biển Đà Nẵng thu hoạch ruốc.
Dưới cái nắng ban trưa, các bà, các chị tại làng cá Thọ Quang và Mân Thái vẫn miệt mài phơi ruốc trên mành lưới hay luôn tay khuấy mắm để ruốc đều nắng. Họ đều mong rằng, mùa ruốc qua đi thì cũng là lúc hết dịch Covid-19 để mọi thứ đâu lại vào đấy, người dân lại tiếp tục lao động, ổn định cuộc sống.