Trước những tác động tiêu cực của Covid-19 gây ra đối với ngành vận tải, mới đây, công ty cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (tuyến Hải Phòng – Hà Nội) đã quyết định tăng mức hỗ trợ lái xe taxi bị ảnh hưởng thu nhập.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng hỗ trợ 50% chi phí tất cả các loại phí và phụ thu các loại cho toàn bộ nhân viên lái xe có hoạt động kinh doanh thương quyền dưới mọi hình thức.
Trao đổi với Dân Việt, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng (tuyến Hải Phòng – Hà Nội), cho biết đây chỉ là một trong những giải pháp mà doanh nghiệp cố gắng đưa ra nhằm động viên và chia sẻ những khó khăn với nhân viên lái xe, trong bối tình hình kinh doanh của công ty cũng đang gặp rất nhiều khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19.
Theo ông Hải, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, đơn vị đã đề nghị Sở và các đơn vị chức năng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả bằng cách giảm 40% số chuyến trên 2 bến Giáp Bát và Yên Nghĩa. Ngoài ra, về phía bến xe (bến Lạc Long – Hải Phòng) cũng hỗ trợ các nhà xe bằng cách giảm 30% tiền cước của một xe ra vào bến.
Ông Hải cho rằng, mặc dù đã giảm gần một nửa số chuyến tuy nhiên lượng hành khách trên mỗi xe khi xuất bến cũng thấp hơn so với trước rất nhiều. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị vận tải đã tuân các biện pháp như trang bị khẩu trang, nước rửa tay diệt trùng bảo đảm sức khỏe cho lái xe, phụ xe và nhân viên phục vụ. Đặc biệt, quán triệt các lái xe tuyệt đối không vận chuyển các loài động vật hoang dã, động vật sống…
"Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn mà ngành vận tải đang phải đối mặt doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Ngoài ra, các đơn vị nói chung cũng mong muốn hệ thống bến xe của Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chi phí bến bãi. Đặc biệt vấn đề lãi suất, hỗ trợ ở phía ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Hải cho hay.
Vận tải giảm đến 80% lượng khách
Số liệu từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thống kê của các cơ quan, đơn vị liên quan cho thấy, sản lượng vận chuyển hành khách đã sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tính riêng trong tháng 2/2020, vận tải hành khách liên tỉnh giảm từ 40 - 50 %, trong đó các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sản lượng giảm từ 30-40%; Bến xe Nước Ngầm sản lượng giảm 65%; Bến xe Yên Nghĩa sản lượng giảm 43%...
Vận tải bằng xe taxi giảm 50 - 60%, vận tải Xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm 70 – 80%. Một số doanh nghiệp có mức ảnh hưởng lớn do số lượng phương tiện nhiều như Công ty Vận tải Newway-Tổng công ty vận tải Hà Nội, Hải Vân, ABC, Quảng An…
So sánh số lượng giảm thực tế của một số lĩnh vực, Sở GTVT Hà Nội đưa ra con số: nếu tháng 2/2019 sản lượng hành khách của vận tải hành khách liên tỉnh là 5,3 triệu lượt, nhưng tháng 2/2020 chỉ đạt 2,6 triệu lượt (giảm 41%); xe taxi tháng 2/2019 đạt 9,1 triệu lượt, tháng 2/2020 đạt 4,5 triệu lượt hành khách (giảm 50%); xe buýt tháng 2/2019 đạt 40,3 triệu, tháng 2/2020 đạt 28,3 triệu lượt (giảm 21%; xe hợp đồng tháng 2/2019 đạt 15,5 triệu, tháng 2/2020 đạt 3,6 triệu lượt (giảm 70%)...
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các đơn vị vận tải đã đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước có các giải pháp hỗ trợ như: giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, giảm chi phí cầu đường; giãn, hoãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội…
Đồng thời, cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải được chủ động cắt, giảm bớt số chuyến, không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng nếu doanh nghiệp không thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt…
Ngoài ra, Sở GTVT đưa 6 đề xuất đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, có giải pháp. Trong các đề xuất này, có những nội dung, như: Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vận tải trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả (đặc biệt đôi với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe); Hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác, thị trường mới, qua đó sẽ tạo động lực phát triển hoạt động vận tải; xử lý tốt các tin đồn thất thiệt gây hưởng đến tâm lý người dân; Kết hợp phát triển vận tải theo chuỗi các giải pháp kích cầu đầu tư của các ngành khác.
Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, các đơn vị quản lý bến xe, điểm trung chuyển hành khách, nhà chờ xe buýt trên địa bàn Hà Nội đã chú trọng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; phối hợp với các đơn vị y tế phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm; tăng cường tuyên truyền đến các lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ và hành khách về việc phòng chống dịch…
Cùng với đó, các đơn vị vận tải đã có các biện pháp bảo đảm sức khỏe cho lái xe, phụ xe và nhân viên phục vụ (như trang bị khẩu trang, nước rửa tay diệt trùng ...); tuyệt đối không vận chuyển các loài động vật hoang dã, động vật sống…