Từ cuối tháng 1/2020 đến nay, các nhà xuất khẩu gạo kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ tăng, chuẩn bị cho việc thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân sắp tới. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, tình hình xuất khẩu gạo vẫn chưa có nhiều điểm sáng.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua vẫn đang ở mức “mềm” hơn so với các đối thủ trên thế giới. Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu dao động từ 353 – 357USD/tấn. Hàng cùng loại của Thái Lan có giá 423 – 427USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Pakistan là 370 – 374USD/tấn...
Nhu cầu nhập khẩu gạo trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19.
Nhu cầu nhập khẩu gạo Thái Lan, Việt Nam cũng trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, việc đóng cửa thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) và nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc đã khiến nhiều ngành kinh tế của nước này gần như “tê liệt”. Kéo theo đó, nhu cầu tiêu thụ gạo cũng giảm mạnh khi Trung Quốc hạn chế giao thương để hạn chế lây lan dịch bệnh.
“Các thương nhân dự báo, giá gạo sẽ còn giảm nữa do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, làm chết cả ngàn người ở Trung Quốc”, một chuyên gia lĩnh vực xuất khẩu thuộc Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) nhận định. Dịch bệnh sẽ còn ảnh hưởng lên xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo chính của hai nước này.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết, từ năm 2020 Trung Quốc tiếp tục siết nhập khẩu gạo từ Việt Nam nên chỉ cấp hạn ngạch bằng với năm 2019. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 400.000 tấn gạo, trong đó xuất theo hạn ngạch hơn 300.000 tấn gạo hạt dài, một số khác là đi hàng thuế.
Trước khi xảy ra dịch bệnh do virus corona, Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bằng hoặc nhỉnh hơn năm 2019. Tuy nhiên, tại ĐBSCL, tình hình hạn mặn đang diễn biến phức tạp nên năng suất và sản lượng lúa sẽ bị ảnh hưởng, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ bị tác động theo.
Nguồn cung tăng sẽ gây áp lực lên giá bán khi Việt Nam sắp thu hoạch lúa vụ đông xuân
“Xuất khẩu gạo đến giữa tháng 2 vẫn còn rất chậm chạp, chưa có thêm nhiều hợp đồng thương mại nên các doanh nghiệp mua gạo cũng chậm. Trong khi một thời gian ngắn nữa Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch lúa vụ đông xuân. Nguồn cung tăng sẽ gây áp lực lên giá bán”, ông Nguyễn Văn Quang, chủ một cơ sở cung cấp gạo nguyên liệu cho xuất khẩu tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) nhận định.
Còn theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính tới thời điểm hiện tại, nhu cầu nhập khẩu gạo tại hầu hết các thị trường đều im ắng. Thị trường đang kỳ vọng vào quyết định nhập khẩu từ Benin/Nigeria, Senegal và Iran. Các nước này đang có lượng tồn kho ước tính ở mức thấp do Ấn Độ giảm xuất khẩu gạo tấm vào năm 2019.
Trong khi đó, nhu cầu từ Philippines và Malaysia vẫn đang duy trì lượng nhập ổn định. Còn theo báo cáo từ USDA, Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo trong năm 2020, tuy nhiên các tín hiệu cho thấy giá nội địa ổn định giúp áp lực nhập khẩu giảm.
VFA cho rằng, các thương nhân kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu trước kỳ nghỉ lễ Ramadan sẽ góp mặt trên thị trường nhưng khác với năm 2019, nhu cầu từ Iran, Nigeria/Benin và Senegal có dấu hiệu giảm và những nước này sẽ phải đưa ra quyết định nhập khẩu gạo trong thời gian tới.
“Quan tâm mua gạo từ Trung Quốc giảm mạnh, thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19” đang khiến thị trường gạo trầm lắng, có thể sẽ tạo áp lực tiêu thụ lên vụ đông xuân sắp được thu hoạch”, đại diện VFA nhận định.