Trung Quốc vừa công bố trường hợp cúm lợn châu Phi thứ 4 vào tuần trước ở tỉnh Chiết Giang, bốn ngày sau khi dịch bệnh xuất hiện ở tỉnh láng giềng Giang Tô. Ổ dịch mới nhất nằm cách ổ dịch đầu tiên, được phát hiện ở Liêu Ninh vào ngày 3/8, khoảng 1.200km.
"Việc dịch bệnh lây lan mạnh ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại chúng sẽ vượt qua biên giới và tàn phá đàn lợn ở các nước láng giềng Đông Nam Á cũng như bán đảo Triều Tiên, những nơi có ngành công nghiệp nuôi lợn và nhu cầu sử dụng thịt lợn cao", FAO cảnh báo.
Dịch cúm lợn châu Phi ở Trung Quốc cũng gây ra những vấn đề đáng kể bởi quốc gia này chiếm tới hơn một nửa số lượng lợn trên thế giới và thịt lợn cũng chính là thức ăn chủ yếu nhất ở Trung Quốc. Tương tự, đây cũng là món ăn hàng ngày ở Đông Nam Á và bán đảo triều Tiên. Hiện tại, Trung Quốc đã tiêu hủy 24.000 con lợn ở 4 tỉnh có dịch.
Bên cạnh việc gây tử vong cho những cá thể lợn nhiễm bệnh, virus gây cúm lợn châu Phi còn rất dễ lây lan trong đàn lợn và tồn tại dai dẳng trong môi trường. Hiện tại, chưa có loại vắc xin đặc chủng để phòng ngừa dịch bệnh này trong khi tiêu hủy là cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng lây lan. FAO đang làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc và các nước láng giềng nhằm tăng cường sự chuẩn bị trong trường hợp dịch bệnh lây lan.
4 tỉnh bùng phát dịch cúm lợn châu Phi ở Trung Quốc.
Virus cúm lợn châu Phi được tìm thấy ở miền đông nước Nga vào năm 2017. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến dịch bệnh này bùng lên ở Trung Quốc.
Juan Lubroth, bác sĩ thú y của FAO, cho rằng: "Việc di chuyển những sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh có thể khiến dịch lây lan nhanh chóng. Điều đáng chú ý là không chỉ cá thể lợn sống mà thịt lợn nhiễm bệnh cũng có khả năng lây lan virus. Đây có thể là lý do khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát, bao gồm các ổ dịch cách nhau cả nghìn cây số".
Dịch bệnh đã buộc chính quyền Trung Quốc phải tiến hành các cuộc kiểm tra trên quy mô toàn quốc. Nhà chức trách cũng cam kết bồi thường cho nông dân trong trường hợp lợn của họ bị tiêu hủy do nhiễm bệnh. Bắc Kinh đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh tương tự như dịch tai xanh năm 2006, khiến hàng triệu con lợn bị tiêu hủy và khiến giá lợn tăng gấp 4 lần trong năm sau đó.
Dù các ổ dịch còn cách khá xa biên giới với Việt Nam nhưng dịch cúm lợn châu phi ở Trung Quốc vẫn có thể gây ra những quan ngại, nhất là trong bối cảnh nhà chức trách Trung Quốc chưa tìm ra cách hiệu quả để ngăn chặn dịch lây lan.