Thời gian này các năm trước, anh Fu Haisheng, một nông dân Trung Quốc đang phải tính đến việc tái đàn.
Thế nhưng khi mà Tết Nguyên đán tại Trung Quốc đang ngày một đến gần, lẽ ra anh đã phải bán hết đàn lợn để đáp ứng cho nhu cầu thịt lợn tăng cao chóng mặt trong dịp Tết Nguyên đán, giờ đây, mọi chuyện khác hẳn mọi năm, theo bài báo mới đây được Bloomberg đăng tải.
Theo Bloomberg, năm nay không phải một năm bình thường đối với nước tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất thế giới. Các biện pháp hạn chế bệnh cúm lợn châu Phi đã khiến cho nông trại của anh Fu không bán được bất kỳ con lợn nào trong đàn lợn 20.000 con. Và nếu cuối cùng khi đàn lợn này bị bán tống tháo giá rẻ hoặc bị tiêu hủy hết, anh cho biết anh sẽ không nuôi lợn nữa.
Câu chuyện đáng buồn giống như gia đình anh Fu diễn ra phổ biến ở khắp các vùng phía Bắc và Đông Bắc Trung Quốc – khu vực sản xuất thịt lợn trung tâm. Ước tính các nông trại có thể thu hẹp quy mô chăn nuôi đến 20%, Trung Quốc sẽ phải nhập thịt lợn từ nước ngoài, như vậy năm tới đây sẽ là một năm tồi tệ của ngành công nghiệp trị giá 128 tỷ USD này.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế dịch cúm lợn, dịch bắt đầu từ tháng 8/2018 và giờ đây đã lan ra 23 tỉnh thành tại Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông chịu tác động nặng nề nhất. Khoảng 600 nghìn con lợn đã bị tiêu hủy, Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ khoảng 700 triệu con lợn.
Cho đến nay, chưa thể chắc chắn bệnh cúm lợn có tác động đến con người hay không, nhưng nó có thể khiến cho con lợn chết chỉ trong vài ngày. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn dịch cúm lợn lan rộng bằng cách hạn chế vận chuyển lợn ra khỏi vùng chịu ảnh hưởng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn chăn nuôi.
¾ số lợn tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm 2017 đến từ tỉnh Hắc Long Giang, dịch cúm lợn đã bị phát hiện tại một nông trại với tổng số khoảng 73 nghìn con lợn. Hoạt động đi lại cũng bị hạn chế tại nhiều tỉnh chăn nuôi lợn lớn khác bao gồm tỉnh Hồ Nam và Liêu Ninh.
Điều đó đồng nghĩa với việc những người nông dân như anh Fu sẽ không thể vận chuyển lợn đến những trung tâm tiêu thụ lớn ở miền Nam. Các lò mổ hoạt động hết công suất khi mà quá nhiều người chăn nuôi nhanh chóng giết hại những con lợn để ngăn chặn dịch bệnh lan tràn. Ngoài ra, cũng có thể người chăn nuôi sẽ chấp nhận bán lỗ và thậm chí phá sản.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, người chăn nuôi sẽ thu hẹp quy mô khoảng 20% tương đương số con lợn được chăn nuôi sẽ giảm khoảng 140 triệu tính theo số liệu của năm 2017.