Từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế với các nhóm khách, quốc gia cụ thể; tổ chức ngay các chương trình kích cầu du lịch nội địa...
Từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế
Tại buổi tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" diễn ra ngày 5/3 tại Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết cơ quan này đang bàn biện pháp từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế song "sẽ không mở cửa ồ ạt".
Theo bà Hương, Tổng cục Du lịch sẽ đưa ra những tiêu chí lựa chọn, trong đó ưu tiên những thị trường nguồn, đông khách, đi theo tour trọn gói, chọn điểm đến thuận tiện về hàng không, chọn khu du lịch nghỉ dưỡng có tính độc lập để mở cửa, tiếp nhận khách quốc tế.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các DN, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cũng cho rằng cần nghiên cứu thị trường, xem xét mở cửa từng bước đối với thị trường du lịch quốc tế tuỳ theo từng thị trường, từng đối tượng khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Gần đây, khái niệm “hộ chiếu vắc-xin” liên tục được nhắc đến với kỳ vọng như là giấy thông hành để các quốc gia mở cửa đường biên, tiến tới bình thường hóa hoạt động du lịch. chẳng hạn, Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch cung cấp “hộ chiếu vắcxin”, “giấy thông hành xanh” giúp người dân tự do đi lại trong các nước và giữa các nước với nhau.
Các chương trình kích cầu du lịch thực sự mang lại hiệu quả (ảnh minh họa) |
Với Việt Nam, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) mới đây khuyến nghị, việc mở cửa cho khách du lịch có chứng chỉ tiêm vắc-xin Covid-19 là cần thiết để nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam. Hộ chiếu vắc-xin có thể là tiền đề để Việt Nam đuổi kịp các đối thủ. Tuy nhiên, việc đưa tấm hộ chiếu này vào thực tiễn còn khá nhiều trở ngại, đặc biệt là về cơ sở pháp lý và công nghệ.
Vì vậy, trong thông báo ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT&DL chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.
Trên thực tế, các nước khu vực ASEAN cũng tấp cập chuẩn bị các biện pháp đón khách quốc tế. Chẳng hạn, Thái Lan thông báo mở lại thị trường du lịch quốc tế từ tháng 7/2021. Singapore đón khách quốc tế có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Indonesia công bố sẽ mở cửa Bali với “Hành lang không Covid”. Chính phủ Indonesia đồng thời sẽ triển khai gói vay ưu đãi với tổng trị giá 670 triệu USD nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch Bali,...
Do đó, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nếu không làm tốt, làm ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ bị động và mất thị trường. Cần chủ động hơn, làm hết sức mình, khắc phục khó khăn để báo cáo, đề xuất Chính phủ cho thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ quý 3 hoặc quý 4/2021.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến du lịch năm qua kiệt quệ. Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa mở cửa với khách quốc tế, như đánh giá của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, để “đoàn tàu” du lịch tiếp tục “lăn bánh trên đường ray”, với những tổn thương nặng nề như hiện nay, là không hề đơn giản.
Do đó, ngoài việc chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách quốc tế, du lịch Việt Nam xác định thị trường du lịch nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo trong năm nay. Các chương trình kích cầu du lịch tới đây sẽ được tổ chức ngay sau khi hết giãn cách xã hội theo hướng đảm bảo an toàn, phòng chống dịch.
Tuy nhiên, năm nay, ông Vũ Thế Bình cho biết chương trình kích cầu du lịch sẽ kết hợp các dịch vụ để thu hút khách. Tức là, ngoài yếu tố giảm giá là các dịch vụ tạo nên giá trị gia tăng cho khách.
Ngoài ra, một nỗi lo khác cần giải quyết là bài toán về nhân lực. Theo ông Ngô Hoài Chung, lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5-7 năm mới có thể hồi phục như 2019. Cho nên, ông Bình lưu ý, trong lúc khó khăn các doanh nghiệp du lịch nên tranh thủ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực (đào tạo tực tuyến) và từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số.
Khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm nay giảm trên 99% |
Vẫn cần tiếp sức
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch nhận xét, những hỗ trợ về thuế, phí thời gian qua đã có nhưng không nhiều, chưa thiết thực, chưa thực sự đến với doanh nghiệp, người lao động trong ngành. Trong khi đó, theo Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung, hỗ trợ du lịch hồi phục cũng là hỗ trợ cho các ngành khác, bởi du lịch góp phần tiêu thụ sản phẩm cho các ngành, đồng thời tránh sự đổ vỡ hàng loạt, tổn thương nặng nề hơn.
Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), đến nay, các doanh nghiệp du lịch vẫn khó tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp; không được hưởng lợi nhiều từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành giảm 50% chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới;...
Vì thế, cơ quan này đang lấy ý kiến các DN để tiếp tục đề xuất Chính phủ hỗ trợ, như DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm; áp dụng giá điện cho khách sạn bằng giá điện sản xuất trong năm 2021; giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%,...
Ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cho rằng cần tiếp tục giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ HDV du lịch cho đến hết năm 2021 và có thể đến tháng 6/2022.
Đồng thời, giảm thời gian của thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành, hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành từ 60 xuống dưới 30 ngày để DN lữ hành sớm thu hồi tiền ký quỹ giải quyết công nợ.
Các cơ quan chức năng cũng cần giảm các điều kiện, thủ tục để người lao động tự do trong ngành du lịch, đặc biệt hướng dẫn viên du lịch tự do, dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ và hỗ trợ cho cả năm 2021.
Đáng lưu ý, cần kích cầu du lịch nội địa qua các sản phẩm du lịch bằng cách hỗ trợ miễn hay giảm 50% phí tham quan tại các điểm du lịch, khu du lịch, bảo tàng, di tích,... và ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần hay toàn bộ. Đây là điều được trông đợi nhiều nhất bởi các bên tham gia kích cầu như vận chuyển, lữ hành, khách sạn, dịch vụ,... đều giảm giá tối đa, chấp nhận không lợi nhuận để kích thích du khách đi du lịch, thì nhiều địa phương không giảm, thậm chí có nơi còn tranh thủ tăng giá vé, phí tham quan.
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ hoặc có chỉ đạo các hãng vận chuyển hàng không giải quyết công nợ vé máy bay hoàn, huỷ của các doanh nghiệp và khách du lịch sớm để họ có thể tái sử dụng các tiền vé này để áp dụng đi du lịch trở lại.
“Một bản đồ số du lịch đến các điểm đến an toàn của cả nước vẫn chưa được triển khai hiệu quả, thiếu quảng bá rộng rãi, thiếu cập nhật, thiếu đồng bộ cả nước. Nếu đạt yêu cầu sẽ giúp du khách và doanh nghiệp chọn lựa điểm đến có sản phẩm du lịch an toàn, phù hợp, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách”, ông Chí nói.
Ngọc Hà