Vào nơi "miễn nhiễm" dịch tả lợn châu Phi
Trang trại nuôi 160 lợn nái và 1.600 lợn thương phẩm của gia đình bà Cấn Thị Thìn (ở Khu 3, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) nằm trên một khu đồi cách biệt rộng 30ha. Để vào thăm trang trại, chúng tôi phải qua 2 lần khử trùng, sát trùng, song cũng mới chỉ được vào vòng ngoài (cách trại từ 500-1.000m).
Khu trại nuôi lợn được phân theo từng khu nuôi lợn ông bà, lợn hậu bị và lợn thương phẩm. Với quy trình chăn nuôi khép kín từ con giống tới lợn thương phẩm, phun sát trùng, khử trùng nghiêm ngặt từ xa, tiêm đầy đủ các loại vaccine nên hàng nghìn con lợn ở đây vẫn bình yên vô sự trước DTLCP.
"Trước khi DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh, gia đình tôi nuôi 100 lợn nái, nay đã tăng thêm 68 con. Thời gian tới, gia đình sẽ nhập thêm để tăng lên 200-300 lợn nái và khoảng 2.000 lợn thương phẩm. Hiện, mỗi tháng trang trại xuất bán 150 - 200 con lợn thương phẩm, tổng trọng lượng khoảng 15-20 tấn lợn hơi, giá bán từ 60.000-70.000 đồng/kg" - bà Thìn nói.
Sáng 10/3, đến thăm, kiểm tra trại lợn của bà Thìn và một số trang trại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ ấn tượng khi thấy trang trại được đầu tư khép kín, miễn nhiễm với DTLCP. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, dù bệnh dịch này đã xảy ra tại 218/277 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, nhưng hầu hết xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có 2 trang trại phát sinh dịch.
Tổng số lợn buộc tiêu hủy là 57.400 con (chiếm 6,7% tổng đàn), số lượng tiêu hủy trên 3.300 tấn (chiếm 2,6% tổng sản lượng); gây thiệt hại trực tiếp cho người chăn nuôi trên 130 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT kiểm tra trại nuôi lợn của bà Cấn Thị Thìn sáng 10/3. (ảnh Khương Lực)
Đến ngày 16/1/2020, bệnh DTLCP đã hoàn toàn được khống chế, đến nay không phát sinh các ổ dịch mới. Tổng đàn lợn của tỉnh hiện đạt khoảng 629.000 con, mỗi tháng tỉnh Phú Thọ cung cấp cho thị trường trên 90.000 con (tương đương khoảng 9.000 tấn thịt hơi).
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: "Với điều kiện tỉnh Phú Thọ chăn nuôi đứng thứ 6 toàn quốc và có nhiều hộ chăn nuôi có kinh nghiệm, chúng tôi xác định nhiều hộ có thể phát triển đàn lợn, không những đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn cho cả nước".
Tái đàn, lại lo cạnh tranh thịt nhập khẩu?
Nói về giá thành chăn nuôi lợn hiện nay, bà Cấn Thị Thìn cho biết, với trang trại chăn nuôi khép kín, giá thành tại trại của bà khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg. "Giá lợn hơi từ 50.000 đồng/kg trở lên là chúng tôi vui rồi, cũng không cần cao lắm. Giá lợn hơi cao quá thì người dân lại nuôi ồ ạt, không kiểm soát được dịch bệnh".
Chúng ta còn giảm giá thịt hơi xuống được, bởi vì ở mức giá 75.000 đồng/kg là rất có lãi. Thời gian tới, chúng tôi yêu cầu dứt khoát 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn phải tập trung đưa giá lợn hơi về mức hợp lý". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |
Đề cập tới việc nhập khẩu thịt lợn, bà Thìn bày tỏ lo lắng: "Nhà nước cho nhập khẩu nhiều thì có mấy cái lo: Thứ nhất, chúng tôi nuôi ra con lợn nhưng giá bán lại quá rẻ như năm 2017; thứ hai thịt nhập khẩu qua đông lạnh, nếu không kiểm soát được chặt chẽ thì nguy cơ dịch bệnh sẽ phát sinh".
Theo báo cáo mới cập nhật của Bộ NNPTNT, đối với DTLCP, hiện cả nước chỉ còn 2 ổ dịch mới xuất hiện, trong khi 98% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh. Điều này là cơ hội để các hộ dân, doanh nghiệp thúc đẩy tái đàn lợn, bù đắp thiếu hụt và đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý.
Tính đến 2/3, tổng đàn lợn cả nước đạt 24 triệu con, bằng khoảng 77% tổng đàn trước khi có bệnh DTLCP (31 triệu con vào tháng 12/2018). Trong đó, đàn nái còn 2,7 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân giống, phục vụ tái đàn lợn.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngay từ tháng 9/2019 khi bệnh DTLCP bước đầu được khống chế, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tái đàn, tăng đàn để đảm bảo nguồn cung thịt lợn. Trường hợp thiếu nguồn cung, Chính phủ đã chỉ đạo sẽ nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn từ các nước Brazil, Mỹ, Nga...
Tính hết tháng 2/2020, nước ta đã nhập khẩu hơn 13.800 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý trong tuần này, lô hàng thịt lợn của Tập đoàn Miratorg (Nga) sẽ về Việt Nam nhằm tăng nguồn cung thịt lợn và đưa giá thịt lợn hơi về mức hợp lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Kết quả tái đàn từ tháng 9 tới nay rất tích cực. Thống kê của các tỉnh, tháng 1 tăng 5%; tháng 2 tăng 10% và từ nay tới cuối năm với đà tái đàn, tăng đàn như hiện nay chúng ta sẽ có trên dưới 4 triệu tấn thịt lợn và cơ bản đáp ứng được yêu cầu cùng xã hội" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.