Nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên dẫn báo cáo của UBND huyện Phú Bình cho biết, ngày 05/03, trước tình trạng đàn lợn nhà ông Nguyễn Văn Thạo có nhiều con bị ốm chết (chết 32/46 con lợn con; 01/05 lợn nái; 01 con lợn thịt), UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh.
Kết quả xét nghiệm đã xác định các mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Để tránh bệnh lây lan, các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 52 con lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Thạo đồng thời, UBND huyện Phú Bình đã lập 02 chốt kiểm dịch trên các tuyến đường qua địa bàn xã Úc Kỳ.
Ngày 07/03, UBND huyện Phú Bình đã ban hành Quyết định công bố dịch đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Úc Kỳ. Như vậy Thái Nguyên là tỉnh thứ 10 trong cả nước đã xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu phi.
Tại buổi đối thoại trực tuyến “Thái Nguyên khẩn trương ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi” sáng ngày 8/3, Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đối với tỉnh Thái Nguyên, dịch bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 3; cho đến nay có 01 ổ dịch ở xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình đối với với 52 con lợn thuộc 01 hộ chăn nuôi gia trại. Toàn bộ số lợn đã được phát hiện sớm, xử lý tiêu hủy triệt, kịp thời và cho đến thời điểm này chưa phát hiện thêm ổ dịch mới. Thái Nguyên là tỉnh trong vùng có sự phát triển chăn nuôi mạnh, tổng đàn lớn, có sự giao thương lợn giống, lợn thương phẩm cao, nên nguy lây lan hiện dịch là rất lớn. Do vậy, cần chủ động kịp thời, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo, người chăn nuôi cần bình tĩnh, chủ động phòng, chống dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng phát hiện, báo cáo kịp thời khi có biểu hiện bệnh trên đàn lợn với các cơ quan chức năng để xử lý dịch bệnh hiệu quả ngay từ gốc; không hoang mang bán chạy lợn, không xử lý chậm, không đúng quy định, quy trình; người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút, chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loại động vật khác, không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Lợn bị nhiễm bệnh có tỷ lệ chết cao (khả năng chết lên đến 100%); bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh, các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố hoạt động hàng ngày của con người nếu thiếu ý thức phòng dịch.
Mặc dù vi rút này lây lan nhanh và hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc cho bệnh này nhưng ở nhiệt độ cao ( thức ăn nấu chín) và các loại hóa chất, kể cả khử trùng bằng vôi bột thông thường thì virut này không thể tồn tại.