7 địa phương có dịch tả lợn châu Phi
Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn tại hộ chăn nuôi ông Hoàng Văn Chinh ở xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, Hải Dương.
Sáng 2/3 các cơ quan chuyên môn thú y Trung ương và địa phương hoàn thành việc chôn tiêu hủy 90 con lợn của gia đình ông Hoàng Văn Chinh đồng thời tiến hành lấy mẫu, cho tiêu hủy lợn tại hai trại kế bên để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đồng thời tổ chức tiêu độc, sát trùng, lập vành đai, chốt kiểm soát dịch bệnh theo đúng quy định.
Như vậy, hiện nay có 7 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi sau khi Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chính thức công bố 2 tỉnh có dịch ngày 19/2. Ngoài Hải Dương, 6 tỉnh, thành còn lại, bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam và Hà Nội.
Là địa phương giáp ranh với Hải Phòng và Hải Dương đều đang có dịch tả lợn châu Phi, Quảng Ninh còn giáp Trung Quốc, nên rất lo dịch tả lợn châu Phi tràn vào. Ngay đầu tháng 3, tỉnh này đã phải thành lập lập chốt kiểm soát liên ngành để kiểm tra việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Hải Phòng
Tại thị xã Đông Triều, chốt kiểm soát được thành lập tại cầu Vàng và cầu Đá Vách. Huyện Hoành Bồ sẽ thành lập chốt kiểm soát tại khu vực xã Tân Dân. Chốt kiểm soát liên ngành tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng (Quảng Yên) cũng sẽ được thành lập.
Các chốt kiểm soát liên ngành sẽ hoạt động 24/24 giờ, từ ngày hôm nay, 3/3/2019, với sự phối hợp của Công an tỉnh, Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông, Thú y các huyện, thị xã.
Khi phát hiện việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y có thẩm quyền sẽ tiến hành khử trùng, tiêu độc và xử lý theo quy định hiện hành.
Hỗ trợ 38.000 đồng/kg không sát giá thị trường
Trong ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch tải TP Hải Phòng.
Tính đến ngày 2/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 38 hộ tại 12 thôn, 5 xã thuộc 2 huyện Thủy Nguyên (Chính Mỹ, Liên Khê, Lưu Kiến, Đông Sơn, Thủy Đường) và xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 424 con (46 con lợn nái, 299 con lợn thịt, 79 con lợn theo mẹ).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để kiểm soát ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan vai trò tiêu hủy xử lý lợn nhiễm bệnh nhanh chóng và tại chỗ vô cùng quan trọng.
Việc đào hố chôn lấp phải đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới-OIE sâu 3 mét, nên sử dụng vôi cục và khu chôn lấp phải đảm bảo xa nguồn nước chung, xa khu dân cư và phải được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt.
Đặc biệt, ông Cường đề nghị Hải Phòng bằng nhiều kênh nhiều nguồn khác nhau cũng như từ nguồn quỹ phòng chống dịch bệnh sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy để ổn định tâm lý người chăn nuôi.
Hiện Bộ NN&PTNT đang đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành sớm ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi ngoài Nghị định 02 của Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện địa phương đang áp dụng Nghị định 02 của Chính phủ để hỗ trợ cào bằng chung là 38.000 đồng/kg lợn hơi nên chưa phù hợp với lợn nái lợn bố mẹ, lợn giống.
Do đó ông Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm có kiến nghị các Bộ, ngành, Chính phủ có thêm các quy định hỗ trợ tốt hơn, sát hơn đối với những hộ phải tiêu hủy lợn nái như tăng thêm 1,8 - 2 hệ số so với mức hỗ trợ chung hiện nay.
Trong khi đó, theo khảo sát, giá lợn hơi hiện nay tại các tỉnh miền Bắc vào khoảng 50.000 đồng-52.000 đồng/kg. Bởi vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ người dân phù hợp và kịp thời thì rất dễ xảy ra tình trạng giấu dịch để bán tháo lợn bệnh ra thị trường.
Hiện, đàn lợn của Việt Nam vào khoảng 28 triệu con, giá thịt lợn tại các chợ khu vực phía Bắc đang đứng ở mức trung bình.