Lo lắng là tâm trạng chung của hầu hết hộ gia đình, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Do số lợn bị mắc bệnh, tiêu hủy quá lớn, nên nhiều hộ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ; còn những hộ chưa bị ảnh hưởng thì đang cầm cự chăn nuôi với số tiền trang trải rất lớn mỗi ngày.
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.
Thống kê cho thấy, tại huyện Sóc Sơn hiện có khoảng 2.000 hộ chăn nuôi chưa nhận được tiền hỗ trợ sau hơn 7 ngày lợn bị tiêu hủy. Con số này tại huyện Quốc Oai là 1300 hộ, huyện Đông Anh trên 1.000 hộ. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn thành phố khoảng 620 tỷ đồng, nhưng tổng kinh phí các quận, huyện chi trả cho công tác phòng, chống dịch bệnh mới được trên 200 tỷ đồng. Việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi hiện gặp nhiều khó khăn do số lượng lợn tiêu hủy quá lớn.
Đối với những hộ chăn nuôi chưa bị dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, nỗi lo lắng, thiệt hại cũng không kém. Đó là số kinh phí hàng ngày để duy trì chăn nuôi đàn lợn. Bà Trần Thị Oanh, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho biết: "Từ ngày xảy ra dịch đến nay, lợn tiêu thụ không được nhiều. Gia đình phải huy động mọi nguồn vốn để mua thức ăn, thuốc phòng dịch. Giờ gia đình rất khó khăn, có những con lợn gần 2 tạ mà chưa bán được".
Rõ ràng, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội đang lây lan rất nhanh. Nếu như cách đây chừng một tháng, số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy khoảng 120.000 con (chiếm 6,54% tổng đàn), thì nay đã lên 20% tổng đàn.
Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội đã tập trung mọi biện pháp để khống chế dịch bệnh, triển khai nhiều đợt tiêu độc, khử trùng, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, cơ sở giết mổ..., nhưng xem ra khả năng lây lan của dịch đã ngoài tầm kiểm soát. Trước thực trạng đó, ngày 14/6 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị bàn các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững với diễn biến bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp quan trọng nhất hiện nay để có thể ngăn ngừa, kiểm soát bệnh dịch. Cùng với đó là khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia vào trang trại, hợp tác xã, hạn chế tối đa việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, dễ lây lan mầm bệnh.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: "Cơ bản nhất là phải tuyên truyền thật tốt, nhất là việc chăn nuôi an toàn sinh học. Điều này ở các trang trại làm khá tốt,nhưng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực sự được quan tâm".../.