Nguy cơ tái dịch
Sau khi công bố hết bệnh DTLCP, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã tập trung tái đàn. Đơn cử như tại huyện Sóc Sơn, do chăn nuôi là nghề cho thu nhập chính, khi công bố hết dịch, nhiều hộ đã dọn dẹp chuồng nuôi lợn trở lại. Hay như tại huyện Quốc Oai, nhận thấy giá lợn hơi tăng cao trong thời gian dài, người chăn nuôi trên địa bàn đã mạnh dạn mua lợn giống về nuôi, không ít hộ cũng mạnh tay đầu tư lợn hậu bị để chủ động con giống.
Cơ quan chức năng TP.Hà Nội thực hiện tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đình Tường
Đối với các doanh nghiệp, ông Chu Phú Mỹ đề nghị thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP, ưu tiên xuất bán con giống cho các cơ sở, hộ chăn nuôi để thúc đẩy tái đàn thuận lợi… |
Ông Phạm Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, là vùng chăn nuôi trọng điểm của Hà Nội, hầu hết bà con đều có kinh nghiệm nên đã tính toán rất kỹ việc tái đàn. Để hạn chế rủi ro dịch bệnh từ con giống, người chăn nuôi thường nhập từ các trại sản xuất giống có uy tín và đầu tư chăn nuôi khép kín.
Anh Nguyễn Văn Lâm (thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) cho biết, với 13.000m2 đất được chuyển đổi, anh đã xây dựng trang trại VAC khép kín tại khu chăn nuôi tập trung với 100 cây bưởi Diễn, hơn 5.000m2 nuôi thả cá; 1.200m2 chuồng trại nuôi 80 lợn nái, 600 lợn thịt. Ngoài ra, anh còn chăn thả hơn 45.000 con gia cầm với mục đích lấy cái nọ bù cái kia.
Nhờ tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch bệnh nên đợt DTLCP vừa qua, trang trại của anh không hề hấn gì. Mỗi tháng, anh Lâm xuất bán đều đặn 100 con lợn thịt.
“Tổng doanh thu mỗi năm từ trang trại của tôi khoảng 20 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi từ 500 - 800 triệu đồng/năm”- anh Lâm cho biết.
Mặc dù hiện nay giá lợn hơi đang tăng cao, nông dân có động lực tái đàn nhưng nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát rất lớn. Điển hình là ngày 1/4/2020 mới đây, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở thôn Hậu Xá (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) khiến 1 con lợn thương phẩm phải tiêu huỷ; từ 14-17/4, cơ quan chức năng tiếp tục tiêu hủy 2 con lợn nái tại hộ này do dương tính với virus DTLCP.
Hiện hộ này còn lại 1 con lợn nái và 8 con lợn mới sinh nhưng có kết quả âm tính với virus tả lợn châu Phi và đang được giám sát, theo dõi.
Trước đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến đầu tháng 4 Hà Nội tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi ở hai huyện Sóc Sơn và Thạch Thất. Trạm thú y xã và chính quyền địa phương đã phối hợp tiêu hủy 118 con lợn với trọng lượng hơn 8.000kg theo đúng quy trình và áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch. Như vậy sau hơn 2 tháng công bố hết dịch tả lợn châu Phi, bệnh dịch này đã tái phát khiến Hà Nội phải nâng cao mức đề phòng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhấn mạnh, mặc dù tái đàn lợn là cần thiết để người chăn nuôi tái sản xuất, có thu nhập, đồng thời cung ứng thực phẩm cho thành phố, nhưng người chăn nuôi cần hết sức thận trọng bởi nguy cơ tái dịch rất cao. Hiện nay, việc vận chuyển lưu thông thịt lợn trên thị trường Hà Nội rất lớn, bệnh DTLCP hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh, virus tồn tại lâu ngoài môi trường… nên rất dễ phát sinh dịch bệnh.
Tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tại buổi làm việc về tình hình sản xuất nông nghiệp quý I mới đây, Sở NNPTNT Hà Nội đã có Công văn 1023/SNN-KHTC đề xuất UBND thành phố một số giải pháp phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn trước diễn biến của dịch Covid-19.
Trong đó, đặt mục tiêu nâng tổng đàn lợn thương phẩm năm 2020 lên khoảng 1,8 triệu con, qua đó, đóng góp vào tăng trưởng 4,04% của ngành nông nghiệp Hà Nội theo chỉ đạo của thành phố.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, để hoàn thành mục tiêu trên, các địa phương phải tập trung chỉ đạo thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn, tăng đàn lợn, nhất là tại các doanh nghiệp, trang trại, nông hộ bảo đảm chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao, an toàn dịch bệnh theo đúng quy định…
Do nguy cơ bệnh dịch tả lợn phát sinh lớn nên các địa phương dứt khoát phải tăng cường hướng dẫn các cơ sở, các hộ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm an toàn.
Với tốc độ tái đàn lợn diễn ra nhanh, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội đề nghị các địa phương phải nắm chắc số lượng tổng đàn lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng tháng từ nay đến cuối năm 2020 để bảo đảm cân đối cung cầu; đồng thời xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh với các vùng nhằm bảo đảm ổn định thị trường.