Đến ngày 8-6, ông Anthony Bourdain, đầu bếp từng cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả ở Hà Nội, cũng treo cổ tự tử trong một khách sạn ở Pháp mà không rõ nguyên nhân.
Sau cái chết của 2 nhân vật nổi tiếng trên, nạn tự tử ở Mỹ càng được chú ý hơn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết số vụ tự tử ở hơn một nửa số bang của Mỹ đã tăng 30% kể từ năm 1999 (gần như tập trung ở khu vực phía Tây và Trung Tây nước Mỹ) và tỉ lệ tăng trên toàn quốc là khoảng 25%.
Như vậy, cứ 100.000 người Mỹ thì có 16 người từ bỏ cuộc sống và chỉ tính riêng năm 2016, khoảng 45.000 người đã tự kết liễu. Cũng theo CDC, nạn tự tử được ghi nhận cả ở nam giới và nữ giới, ở hầu hết lứa tuổi, chủng tộc và các nhóm thiểu số.
Nhà thiết kế Kate Spade (trái) và đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain. Ảnh: AP
Trong khi đó, kể từ khi đường dây nóng phòng chống tự tử quốc gia của Mỹ (NSPL) được thành lập, Giám đốc truyền thông của NSPL Frances Gonzalez cho biết ngày càng có nhiều cuộc gọi nhờ giúp đỡ. Chẳng hạn, bang New Jersey tăng 70% số lượng cuộc gọi so với bình thường.
TS Deborah Stone, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu của CDC, nhận xét trên đài BBC: "Trục trặc trong các mối quan hệ và khó khăn tài chính dường như là những yếu tố hàng đầu khiến người Mỹ tự tử. Việc một số bang phía Tây có tỉ lệ tự tử cao nhất có thể vì những nơi này nông thôn hơn và vẫn đang phục hồi từ suy thoái kinh tế. Người dân ở đó có khuynh hướng bị cô lập, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc phù hợp và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch thuốc giảm đau opioid".
Ngoài ra, nghiên cứu của CDC còn chỉ ra 54% người Mỹ chết vì tự tử không có tiền sử bệnh tâm thần. TS Jerry Reed của Liên minh Hành động quốc gia phòng chống tự tử nhận định: "Dù có sự liên quan giữa bệnh tâm thần nặng và hành vi tự tử song đây không phải là nguyên nhân duy nhất".
Tương tự, bà Stone rút ra kết luận: "Nghiên cứu của CDC cho thấy sự mất mát, lạm dụng thuốc, sức khỏe thể chất xuống dốc, công việc gặp khó khăn và các vấn đề pháp lý là những yếu tố quan trọng dẫn đến tự tử".