Đầu năm 2021, 59 du khách nước ngoài đã đến tỉnh Phuket ở miền Nam Thái Lan và cách ly tại một khách sạn cao cấp trong 14 ngày. Đây là một trong những nhóm khách du lịch đầu tiên đến Thái Lan theo chương trình "cách ly nghỉ dưỡng".
Cách ly và chơi golf
Trung tâm quản lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA) cho biết, một nhóm du khách Hàn Quốc cũng đã đến các sân golf ở Nakhon Nayok để cách ly. Sau 14 ngày cách ly và chơi golf tại đây, họ được phép bay đến Chiang Mai để chơi tiếp.
6 khu nghỉ dưỡng sân golf đã được Chính phủ chấp thuận làm trung tâm cách ly cho khách. Tour du lịch nhận được sự quan tâm của các doanh nhân Hàn Quốc đang kinh doanh tại Thái Lan và những vận động viên, học viên môn golf đang tìm kiếm cơ sở tập luyện.
Vừa có thể du lịch, vừa tuân thủ cách ly nhưng cũng vừa có thể chơi bộ môn thể thao ưa thích - một mũi tên trúng 3 đích với những du khách đam mê golf.
Heo Kwang-eum - một du khách Hàn Quốc - cho hay, sân golf ở đây rất lớn. "Cảm giác như những ông hoàng khi 41 người chúng tôi chơi trong sân, với sự phục vụ của 100 nhân viên. Như bạn biết đấy, rất khó để chơi golf ở Hàn Quốc những ngày này", anh nói.
Mỏ vàng du lịch golf |
Tại Hàn Quốc, golf là một trong những môn thể thao thu hút giới nhà giàu. Đây là thị trường golf lớn thứ ba thế giới (hơn 3 triệu người trên sân) chỉ xếp sau Mỹ (ước tính 28,8 triệu) và Nhật bản (khoảng 10 triệu)
Ngân hàng KB Kookmin Hàn Quốc ghi nhận, doanh số bán hàng tại các sân golf từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thời điểm Hàn Quốc bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội nhằm chống dịch. Đáng chú ý, đối tượng chi tiêu cho môn thể thao "nhà giàu" này là người trẻ, ở độ tuổi 20-30, tăng mạnh.
Chính vì thế, gói tour dịch vụ cách ly chơi golf của Thái Lan ngay lập tức thu hút khách hàng. Để trải nghiệm dịch vụ "cách ly và chơi golf" như vậy, mỗi du khách phải bỏ ra tổng cộng 2,49 triệu Won (khoảng 2.200 USD).
Đây được xem là mức giá hợp lý nếu so với chi phí cách ly 14 ngày trong một khách sạn thông thường. Nhu cầu đặt tour tăng gấp 3 lần, với sức cung ứng ở mức 100 phòng cho khoảng 150 khách.
Còn với Thái Lan, việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế, nhưng trước mắt tập trung vào phân khúc hạng sang, được coi là bước "thăm dò" đối với việc "phá băng" cho ngành du lịch. Đây là một trong những môn thể thao hiếm có, không đòi hỏi nhiều sự tiếp xúc gần giữa người chơi. Trên sân, giữa người chơi cũng duy trì khoảng cách an toàn nên khả năng lây lan, bùng phát dịch không nhiều.
Chưa kể, những người chơi golf có khả năng ở lại dài ngày, chi tiêu nhiều và lưu trú tại những khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Du lịch golf vốn được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của kinh tế Thái Lan nhiều năm qua. Năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, Thái Lan thu hút hơn 40 triệu du khách, thu về 63,4 tỷ USD, chiếm 1/5 tổng thu nhập nội địa của quốc gia này.
Cơ hội cho Việt Nam
Mô hình du lịch "cách ly sân golf" của Thái Lan có thể là bài học cho nhiều nước để cứu vãn ngành du lịch trong cơn khủng hoảng.
Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, trong số hơn 15,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018, khách du lịch golf chiếm 0,8%, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Đại diện sân golf Yên Dũng (Bắc Dũng) cho biết, 70-80% lượng khách đến đây là người Hàn Quốc, trong đó một nửa là khách du lịch, số còn lại là các chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam.
Tại Vietravel, Saigontourist, dòng khách chơi golf đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chiếm đa số. Trong đó, khách rất chuộng sân ở Đà Nẵng hay Thủ Đức, TP.HCM. Năm 2019, một số công ty dự kiến khai thác các chuyến bay charter, đưa khách chơi golf đến Nha Trang, Phú Quốc.
Dịch vụ cách ly tại sân golf |
Việt Nam cũng được xem là thị trường "vàng" cho du lịch golf. Tạp chí Forbes từng đánh giá Việt Nam là quốc gia có sự phát triển golf nhanh bậc nhất thế giới.
Những năm gần đây cùng với sự phát triển của hạ tầng du lịch, hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp ra đời, hệ thống sân golf ở Việt Nam cũng được đầu tư. Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước có khoảng 80 sân golf, trong đó có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Các sân golf Việt Nam hầu hết mới được xây dựng, thiết kế hiện đại, có khả năng cạnh tranh với những sân golf tốt nhất của các nước trong khu vực.
Đi sau so với Thái Lan, Malaysia, nhưng các sân golf Việt Nam có ưu thế là đẹp, mới, đa dạng địa hình, do nhiều golfer nổi tiếng thế giới thiết kế. Còn sân golf ở Nhật Bản đẹp hơn nhưng không thể hoạt động trong mùa đông. Do đó, đến Việt Nam để chơi golf là một lựa chọn hợp lý.
Tuy nhiên, hạn chế của Việt Nam được các đơn vị chỉ ra là thiếu đường bay thẳng từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến các điểm đấu. Đà Lạt hiện có 3 sân golf đẹp, nhưng khách quốc tế muốn đến phải trung chuyển qua Hà Nội, Đà Nẵng hoặc TP.HCM.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu quốc tế về du lịch golf, dù hai năm liên tiếp được tổ chức World Golf Awards trao giải thưởng Điểm đến Golf tốt nhất châu Á.
Để đón khách chơi golf cách ly theo mô hình của Thái Lan, các sân golf trong nước cũng cần có những điều kiện riêng để tránh lây nhiễm, như vụ việc từng xảy ra tại một số sân golf thời gian qua.
Chưa đón được khách quốc tế, nhưng các sân golf cần hoàn thiện hệ thống dịch vụ chất lượng, đẳng cấp, tạo sự khác biệt để hấp dẫn khách du lịch yêu thích môn thể thao này. Ngoài ra, các sân golf cần liên kết với đơn vị lữ hành để phát triển nhiều sản phẩm du lịch golf kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng (MICE), du lịch nghỉ dưỡng,...
Xét về tiềm năng dài hạn, du lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chơi golf hoàn toàn có thể trở thành một kho báu của du lịch Việt, trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới về thị trường golf.
Hơn nữa, với phương châm vừa chống dịch, vừa mở dần hoạt động kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn thì các dịch vụ phục vụ cách trước khi người dân và khách nhập cảnh trở lại sản xuất kinh doanh chính là một tiềm năng lớn. Đó là cơ hội lớn cho du lịch golf.
Duy Anh