Xuất hiện trong đầu tập 8 Shark Tank Việt Nam mùa 4, Aric Austin – Nhà sáng lập và điều hành công ty cổ phần Austin Labs kêu gọi đầu tư 3 tỷ cho 10% cổ phần với dịch vụ cho thuê kho lưu trữ cá nhân trọn gói đầu tiên của Việt Nam mang tên My Storage. Dịch vụ này sẽ đóng gói tất cả vật dụng gia đình và đưa đến kho lưu trữ với giá 696.000Đ/tháng.
"Chỉ cần mở điện thoại lên, cho chúng tôi biết bạn muốn lưu trữ gì, khi nào chúng tôi đến lấy hàng. Đội ngũ nhân viên tuyệt vời của chúng tôi đến đóng hàng vào thùng và nhanh chóng mang đồ của bạn đến nhà kho. Chúng tôi cung cấp dịch vụ cho nhu cầu của khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ khi bạn cần sửa chữa nhà và cần nơi lưu trữ nội thất trong 3 tháng hay nơi lưu trữ hàng hóa cho công ty của bạn, My Storage là địa chỉ lý tưởng", Aric Austin giới thiệu về My Storage.
Kể về nguyên do phát triển mô hình này, Aric cho biết: "Châu Âu là thế kỷ 19, thế kỷ 20 là châu Mỹ và thế kỷ 21 là châu Á" và "Việt Nam là một nơi tuyệt vời để tìm kiếm cơ hội". Do đó, anh đã rời Berlin, Đức để đến Việt Nam. Anh kể lại: "Tôi đã sống ở Đức một thời gian dài. Tôi đi lại giữa hai nước và cần một nơi lưu trữ đồ của mình trong khoảng thời gian đó. Và sau đó, tôi hỏi người chủ nhà Airbnb rằng mình có thể cất giữ những thùng đồ này của mình ở đâu. Chị ấy nhìn tôi kiểu "tôi không biết". Đó là lý do tại sao tôi bắt đầu nghiên cứu này của mình".
Aric cho biết hình thức cho thuê kho lưu trữ cá nhân đã có ở nhiều nước khác như Mỹ, Australia. Nhận định dịch vụ này sẽ phát triển ở Việt Nam nên Aric muốn mình là người đầu tiên làm điều này. My Storage cung cấp 2 loại hình dịch vụ: "Thứ nhất là dịch vụ toàn diện, đội ngũ của chúng tôi sẽ đến lấy mang chúng đến một nơi an toàn, sạch sẽ với điều kiện không khí được kiểm soát và mang chúng quay trở lại. Bạn chỉ cần ngồi xuống và đặt dịch vụ của chúng tôi. Một loại hình khách hàng khác, họ cần đến lấy hoặc cất trữ đồ của mình thường xuyên. Vậy nên với họ, chúng tôi có tủ đồ cá nhân. Họ có thể đến lấy đồ, cất đồ, có thể đến và đi nếu muốn", Aric diễn giải. Anh cũng cho biết, My Storage hiện cho thuê các phòng 1 mét khối, phòng lớn nhất là 16 mét khối.
Hệ thống kho của My Storage
Quan tâm đến bức tranh tài chính, Shark Hưng liên tiếp đặt câu hỏi về tình hình kinh doanh, điểm hòa vốn…
Aric cho biết, My Storage bắt đầu với một cơ sở nhỏ vào tháng 8/2019. Các kho được lấp đầy rất nhanh. Khách hàng của My Storage không chỉ là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà còn nhiều người bản địa. Cũng có những người là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ và tầng lớp trung lưu.
Doanh thu của My Storage tăng mỗi tháng từ 10 – 15%. Trong năm 2021, My Storage đặt mục tiêu là từ 250.000 – 300.000 USD.
Aric chia sẻ, công ty của mình đang chi trả khoảng 20% doanh thu cho việc thuê địa điểm. Ở hai kho đầu tiên, My Storage sẽ hòa vốn khi 75% không gian kho được thuê. Con số này ở địa điểm mới là 30 – 40%. Hiện tại, startup đã đạt mức hòa vốn và đang tái đầu tư.
Khi Shark Liên đặt câu hỏi về khả năng cạnh tranh với người Việt Nam có kinh nghiệm trong mảng logistic, Aric tự tin cho biết: "Lĩnh vực kho lưu trữ mini như thế này chưa có nhiều. Nếu một đối thủ hoặc một công ty Việt Nam tiến vào lĩnh vực này, tôi tin rằng sẽ chỉ có lợi cho chúng tôi mà thôi. Bởi vì thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao để những người tiêu dùng Việt Nam hiểu và nhận biết về lĩnh vực này".
Câu trả lời này khiến Shark Louis băn khoăn: "Vậy làm sao bạn bảo vệ được tiền của nhà đầu tư khi có đối thủ lớn hơn cạnh tranh với bạn? Mô hình kinh doanh này không có nhiều sự khác biệt, họ có thể sao chép rất nhanh".
Aric lý giải: "Đây là một mô hình kinh doanh đã được chứng minh. Nếu anh nhìn theo hướng toàn cầu, đây là một ngành kinh doanh trị giá 20 tỷ USD, nó rất lớn. Chúng tôi chỉ mang một thứ sẵn có đến Việt Nam. Vậy nên anh không phải đang đầu tư vào thứ mà anh không biết, một thứ quá rủi ro hay không có hiệu quả".
Trả lời câu hỏi của Shark Phú về cách thức quản lý, Aric cho biết hiện tại My Storage đang tập trung vào phần mềm để khách hàng có thể tiện sử dụng. "Ở phía back-end (hậu cần), chúng tôi vẫn đang làm thủ công. Nhưng chúng tôi đang tập trung ở phía front-end (dịch vụ cung cấp cho khách hàng) để khách hàng dễ sử dụng, để họ có cuộc sống dễ dàng hơn. Vì vậy họ có thể làm mọi thứ online", Aric cho biết thêm.
Để làm rõ hơn về tình hình công ty, Shark Louis đặt ra câu hỏi về vốn điều lệ, con số đã đầu tư, cấu trúc công ty, cách tổ chức công ty ở Việt Nam…
Aric chia sẻ Austin Labs là công ty cổ phần. Anh đã đầu tư 10.000 USD và cho công ty vay khoảng 100.000 USD. Anh và đồng sáng lập có 85% cổ phần công ty; 5% cổ phần là của một cộng sự người Việt Nam chuyên xử lý các công việc về tài chính và pháp lý; 10% còn lại thuộc về một nhà đầu tư đến sớm đã rót vốn 75.000 USD.
Nói về kế hoạch sử dụng vốn đầu tư, Aric cho hay: "Đầu tiên là mở rộng mô hình, thứ hai là marketing. Chúng tôi muốn đưa hoạt động marketing (tiếp thị) của mình lên một tầm cao mới. Hầu hết hoạt động marketing của chúng tôi hiện đang tập trung tìm kiếm từ khóa nhưng chúng tôi muốn nâng cao nhận thức, muốn được đáp ứng nhiều hơn nữa về PR, quan hệ đối tác và những việc tương tự như vậy. Và sau đó là công nghệ. Chúng tôi muốn nâng cao trải nghiệm của khách hàng".
Shark Hưng đánh giá cao ý tưởng nâng cao trải nghiệm khách hàng của startup và giới thiệu: "Công ty của tôi đang kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Chúng tôi cũng có nền tảng cho mọi thứ để hỗ trợ khách hàng. Chúng tôi mua các loại hình sở hữu, bao gồm loại dịch vụ này". Chính vì vậy, Shark đề nghị đầu tư 3 tỷ cho 25% cổ phần.
Shark Phú có một công ty chuyên về logistics và cho rằng đó là một hướng đi về dịch vụ. Do đó, Shark đưa ra con số 3 tỷ cho 20% cổ phần.
Shark Liên cho biết: "Tôi rất vui vì bạn tới Việt Nam khởi nghiệp. Cái bạn đang hướng tới là nhu cầu rất lớn của người Việt Nam vì thói quen mua sắm không có kế hoạch". Tuy ủng hộ tinh thần của startup nhưng không thuộc khẩu vị nên Shark Liên không đầu tư.
Shark Bình phân tích: "Ở Việt Nam, nếu để thuê một nơi để sống khoảng 20m2, tôi mất 5-6 triệu đồng, tương đương 10 USD cho 1 mét vuông để thuê ở mức thông thường. Vậy thì giá của anh hơi đắt. Thứ hai, mô hình này rất phổ biến ở phương Tây nhưng tôi nghĩ trong văn hóa Việt Nam, hầu hết các gia đình đều cất giữ mọi thứ ở nhà. Ở Việt Nam, người ta cũng có văn hóa dùng đồ cũ nên nếu không dùng, họ sẽ bán lại cho người khác. Vì vậy, tôi nghĩ mô hình kinh doanh này phù hợp hơn với những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, một cộng đồng nhỏ. Thứ ba, tôi thấy mô hình kinh doanh này giống như bất động sản cho thuê. Tương tự như chúng tôi làm, thuê lại và cho người khác thuê". Nhận định mô hình này không có khả năng mở rộng, Shark Bình cũng từ chối đầu tư.
Đồng quan điểm với Shark Bình nhưng Shark Louis lại đưa ra một số ý khác sau khi phân tích SWOT. "Điểm mạnh là bạn là người đầu tiên làm việc này trên thị trường. Nó rất thú vị. Tôi đồng ý với anh ấy (Shark Bình) rằng người Việt Nam có thể vứt đồ khi không sử dụng hoặc cho người thân ở nông thôn. Nhưng anh có cơ hội trong lưu trữ bảo mật. Đó là một cơ hội lớn. Vì tất cả các công ty đều phải lưu trữ vì lý do thuế, lên đến 3 năm hoặc 10 năm và họ cần một nơi nào đó an toàn, tiện lợi để lưu trữ đồ đạc, hàng hóa. Về điểm yếu, có quá dễ để gia nhập thị trường này hay không. Nếu anh có vốn, có sự hỗ trợ của Shark Hưng, Shark Phú, một người có bất động sản, một người am hiểu logistics. Về cơ hội, đó là thị trường lớn. Về thách thức, sẽ luôn có sự cạnh tranh. Điều gì sẽ xảy ra nếu một ông lớn nhảy vào ngành này". Cho rằng mức định giá startup đưa ra hơi cao và không chắc chắn về việc startup có thay đổi mô hình kinh doanh hay không, Shark Louis đề nghị mức 3 tỷ cho 20% cổ phần.
Nhà sáng lập My Storage phân vân và đề nghị Shark Hưng con số 3 tỷ cho 15% cổ phần. Anh thuyết phục: "Khi đến đây, tôi đã nghĩ nếu có nhà đầu tư bất động sản thì tuyệt".
Shark Hưng cân nhắc rồi đề nghị mức 4 tỷ cho 25% cổ phần và được startup đồng ý.
Aric hào hứng chia sẻ: "Tôi cảm thấy hạnh phúc. Khi tôi bước vào, tôi đã nghĩ trong đầu rằng anh ấy là một đối tác hoàn hảo. Trong suốt quá trình thương thuyết, tôi cũng thấy sự yêu thích mà anh ấy dành cho sản phẩm của tôi".