Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN thực hiện vượt 8% so với dự toán, tăng 66,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, tăng 10,7% so với thực hiện năm 2017. Tỷ lệ huy động vào NSNN qua thuế và phí đạt 21,1%GDP (dự toán là 21%GDP). Trong đó, các khoản thu nội địa, thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu viện trợ không hoàn lại đều vượt dự toán và vượt số báo cáo Quốc hội khá cao. Đặc biệt năm 2018 cũng là năm đầu tiên của giai đoạn 2016-2018, thu NSTW vượt dự toán cao.
Bên cạnh kết quả đạt được như báo cáo của Chính phủ, Ủy ban TCNS nhận xét:
Thứ nhất, công tác phân tích dự báo về kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2018 để xây dựng dự toán thu NSNN năm 2019 còn chưa sát, đặc biệt là có sự chênh lệch khá lớn giữa số báo cáo Quốc hội và số đánh giá bổ sung.
Chỉ trong quý 4, số thu ngân sách đã vượt là 66.514 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, bằng 62,9% số vượt thu NSNN cả năm. Điều này cho thấy, việc ước thực hiện tại thời điểm báo cáo Quốc hội (tháng 10/2018) là chưa sát, đồng thời cũng chưa dự báo đầy đủ các biến động kinh tế - xã hội với các yếu tố tác động đến thu NSNN trong những tháng cuối năm.
Do vậy, Uỷ ban này đề nghị Chính phủ cần tăng cường và nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo để có cơ sở chắc chắn bảo đảm cho việc xây dựng dự toán thu NSNN trong những năm tiếp theo.
Thứ hai, mặc dù tổng thu NSNN vượt dự toán khá lớn, song số thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh đều giảm so với số báo cáo Quốc hội. Điều này cho thấy, ngoài việc trung ương giao thu cao hơn so với thực tế thì tình hình sản xuất kinh doanh của nội tại nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bấp bênh, sức cạnh tranh cũng như môi trường kinh doanh tuy được nâng cao song chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Trong quản lý thu ngân sách, vẫn còn tình trạng thất thu thuế do các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, thất thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)…
Thứ ba, các khoản thu về nhà và đất có số tăng lớn so với dự toán và số báo cáo Quốc hội, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vượt thu NSNN (chiếm khoảng 72,4% tổng số vượt thu). Các khoản thu này không ổn định, lâu dài, nên không bền vững cho cân đối ngân sách của địa phương. Do vậy, việc tập trung huy động số thu từ đất cho đầu tư phát triển cần được xem xét một cách hợp lý, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm hiệu quả lâu dài.
Thứ tư, theo báo cáo của Chính phủ, thu từ dầu thô vượt 30,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 11 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2017. Ủy ban TCNS cho rằng, việc tăng thu do giá dầu thô (tăng 1,6 USD so với số báo cáo Quốc hội) và tăng sản lượng khai thác (tăng 240 nghìn tấn so với số báo cáo Quốc hội), phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường thế giới, bao gồm cả nhu cầu sử dụng dầu thô và yếu tố chính trị tác động.
Do vậy, việc đánh giá bổ sung giá dầu tăng 1,6 USD so với báo cáo Quốc hội là phù hợp với thực tế thị trường. Song, việc tăng sản lượng khai thác so với số báo cáo Quốc hội cần được xem xét thêm trong khi việc khai thác loại tài nguyên không tái tạo này có yếu tố chủ động và có căn cứ khả thi khi xây dựng dự báo về sản lượng dầu thô hằng năm.
Thứ năm, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khá, vượt 23,54 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 13,54 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Đây là khoản thu 100% NSTW nên việc thu vượt dự toán sẽ góp phần bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chi của NSTW, song việc chênh lệch khá lớn giữa số thực hiện so với dự toán sẽ tạo ra sự bị động trong việc quản lý cũng như thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt dẫn đến số hoàn thuế VAT cao hơn 7,5% so với dự toán và số báo cáo Quốc hội khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng.
Việc hoàn thuế VAT từ nguồn thu NSTW cao trong thời gian qua đang cho thấy sự bất hợp lý về sự sụt giảm thu NSTW từ thuế VAT, vì nguồn thu thuế VAT là khoản thu phân chia, nhưng nguồn hoàn thuế được cân đối từ NSTW. Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án thay đổi cách thức tổng hợp số liệu về thuế VAT, số hoàn thuế để khắc phục sự bất hợp lý và đánh giá đúng về số thu ròng từ thuế VAT.
Thứ sáu, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại của DNNN vượt 14,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán, song vẫn tồn tại những khoản phải thu, nợ đọng thuế ở các DNNN, tình trạng chuyển giá…; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.