Câu chuyện khởi nghiệp
Vingroup, tiền thân là Technocom, được thành lập năm 1993 tại Ukraina, hoạt động ban đầu với lĩnh vực thực phẩm và thành công với thương hiệu mì gói Mivina.
Điều này rất giống với Samsung khi tập đoàn này xuất phát từ một đơn vị xuất khẩu thực phẩm, vận chuyển các mặt hàng như cá khô, bột mì sang Trung Quốc, do Lee Byung-Chul sáng lập năm 1938.
Tập đoàn Lotte thì lại có một điểm giống khác là những người sáng lập không khởi nghiệp từ quê nhà. Lotte được thành lập vào tháng 6/1948 tại Tokyo bởi doanh nhân người Hàn Quốc, ông Shin Kyuk-ho. Doanh nghiệp này ban đầu phát triển từ việc bán kẹo cao su cho trẻ em ở Nhật Bản sau chiến tranh để rồi trở thành một công ty đa quốc gia lớn.
Cái tên còn lại, tập đoàn SK thì xuất thân từ nhà máy sản xuất sợi polyester đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 1953. Nhà sáng lập Chey Tae-won thành lập Công ty TNHH Sợi Sunkyong vào năm 1969 và bắt đầu từ sản xuất sợi thô.
Những cú lột xác ngoạn mục
Từ năm 2000, Technocom - Vingroup trở về Việt Nam đầu tư vào hai lĩnh vực chính là du lịch và bất động sản với hai thương hiệu ban đầu là Vinpearl và Vincom.
Đến tháng 1/2012, CTCP Vincom và CTCP Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup. Sau nhiều năm phát triển, Vingroup đang là tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam. Thương hiệu Vin - góp mặt ở rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, tạo ra một hệ sinh thái Vingroup như bất động sản (Vinhomes), bán lẻ (VinMart), giáo dục (VinSchool), y tế (VinMec), nông nghiệp (VinEco),... và gần đây là ô tô, xe máy (Vinfast) và dược phẩm (Vinfa).
Tính đến thời điểm hiện tại, với hơn 50 công ty con, Vingroup còn giúp tạo ra hơn 5 vạn việc làm cho người lao động. Chủ tịch HĐQT Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng được Tạp chí Forbes vinh danh trong top 300 người giàu nhất thế giới hồi tháng 3 năm nay. Ông Vượng là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt top này.
Đối với tài phiệt Samsung, sau khi công ty đầu tiên làm ăn phát đạt, Lee Byung-Chul mở thêm nhà máy sản xuất đường và nhà máy len sợi lớn chưa từng có tại Hàn Quốc.
Trước khi chạm ngõ làng công nghệ vào cuối thập kỷ 60, Samsung đã đầu tư đa dạng trong nhiều ngành và trở thành công ty đi đầu trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, bán lẻ,...
Theo trang CNN Money, ảnh hưởng của Samsung ở Hàn Quốc len lỏi đến mọi ngóc ngách đời sống của người dân nước này, từ nhà hộ sinh cho tới nhà tang lễ. Theo ước tính, toàn bộ tập đoàn Samsung chiếm khoảng 15% nền kinh tế Hàn Quốc.
Với Lotte, khi công việc kinh doanh tại Nhật thuận lợi, doanh nghiệp này mở rộng từ Tokyo sang Hàn Quốc với việc thành lập Công ty Bánh kẹo Lotte tại Seoul vào năm 1967.
Ngày nay, Lotte là nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất tại Hàn Quốc và lớn thứ ba ở Nhật Bản về doanh số bán hàng. Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, tập đoàn Lotte sở hữu hơn 90 đơn vị kinh doanh với hơn 60.000 nhân công tham gia vào các ngành công nghiệp khác như sản xuất thực phẩm, khách sạn, thức ăn nhanh, bán lẻ, dịch vụ tài chính, hóa chất nặng, xây dựng, xuất bản, giải trí,... Năm 2017, doanh thu của tập đoàn này đạt 2.101,74 triệu USD với lợi nhuận thuần đạt 414,69 triệu USD.
Sau sự thành công của công ty sản xuất sợi, năm 1973, SK thành lập công ty dầu khí Sunkyong, thực hiện chính sách quản lý sản xuất theo chiều dọc. Hiện SK là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc với các lĩnh vực hoạt động như công nghệ viễn thông (SK Telecom), sản xuất đĩa nhạc và phim (hợp tác cùng 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc SM, YG và JYP), điều chế dược phẩm, khai thác vận chuyển dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thương mại.
Công nghệ làm thay đổi cục diện ba "ông lớn" xứ Hàn
Vào cuối thập kỉ 60, Samsung tham gia vào ngành công nghiệp điện tử. Ban đầu, công ty chủ yếu sản xuất TV, chiếc TV đen trắng đầu tiên được ra mắt thị trường lần đầu tiên vào năm 1970.
Năm 1974, việc mở rộng sản xuất linh kiện bán dẫn giúp Samsung Electronics trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực này. Samsung tăng trưởng khó tin vào những năm 1980 trên toàn cầu khi bước chân vào lĩnh vực hệ thống IT.
Năm 1998, Samsung Electronics, Samsung Telecommunications và Semiconductors sáp nhập, trở thành công ty điện tử hàng đầu thế giới.
Năm 1999, Samsung cho ra mắt một trong những sản phẩm điện thoại di động đầu tiên và đây cũng là lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Samsung. Đến 2010, Samsung cho ra mắt chiếc điện thoại Android cao cấp đầu tiên đó là dòng Galaxy S và đang phát triển rất mạnh đến thời điểm hiện tại.
Đến năm 2011, trụ sở Samsung tại Warsaw là trung tâm nghiên cứu và phát triển quan trọng nhất ở châu Âu, tuyển dụng khoảng 400 nhân viên hàng năm. Năm 2017, lợi nhuận của riêng Samsung Electronics đã đạt kỉ lục 50 tỷ USD, tăng 23 tỷ USD so với năm 2016.
Sau khi thành công rực rỡ với các lĩnh vực kinh doanh kể trên, Lotte cũng đã mở rộng đầu tư sang công nghệ với việc thành lập một loạt các công ty công nghệ thông tin/ điện tử như Korea Fuji Film, Lotte Canon, Lotte IT, Lotte.com, Mobidomi,...
Cái tên cuối cùng, SK, nổi tiếng nhất trong lĩnh vực công nghệ với thương hiệu SK Telecom – công ty viễn thông không dây lớn nhất Hàn Quốc. Năm 2013, SK Telecom trở thành công ty đầu tiên trên thế giới cung cấp mạng thương mại LTE nâng cao. Ngoài ra công ty này còn cung cấp các dịch vụ công nghệ về giải trí đa nền tảng (MelOn), tài chính (m-Finance) và tiện ích nhà ở (Digital Home).
Dù sinh sau đẻ muộn nhưng Tập đoàn Vingroup cũng đang thể hiện rõ khao khát trong lĩnh vực công nghệ bằng việc đầu tư đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm điện thông minh tiện dụng như điện thoại thông minh, nghiên cứu phần mềm và trí tuệ nhân tạo AI.
Tập đoàn còn xây dựng trung tâm VinTech City theo mô hình Thung lũng Silicon hay thành lập các viện nghiên cứu như Viện nghiên cứu dữ liệu lớn hay Viện nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech. Mặt khác, sự ra đời của thương hiệu xe ô tô, xe điện Vinfast và điện thoại thông minh Vsmart cũng là những minh chứng cho tham vọng làm chủ công nghệ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.